Page 22 - Giao trinh- Chăm sóc thai nghén
P. 22
Về các muối khoáng: nhu cầu về chất sắt thường vượt quá nguồn sắt thai
phụ có sẵn. Nồng độ canxi trong máu giảm có thể dẫn đến chứng co giật do thiếu
canxi. Magie cũng giảm hơn lúc chưa có thai.
Chuyển hoá các chất đường bột (glucid), mỡ (lipid) và đạm (protid) đều
tăng hơn lúc chưa có thai.
- Sự tăng trọng lượng cơ thể: trong suốt thời kỳ thai nghén thai phụ sẽ tăng
cân chừng 11 đến 12 kg, trong đó ba tháng đầu tăng ít, chỉ khoảng 0,5 đến 1 kg,
thậm chí có khi không tăng cân nếu tình trạng nghén kéo dài khiến thai phụ ăn
uống giảm sút. Ba tháng giữa, cân nặng tăng chừng 5 kg, ba tháng cuối tăng 5-6
kg. Nếu tăng cân ít, dưới 9 kg thì mẹ và thai có thể bị suy dinh dưỡng, nếu tăng
quá nhiều, trên 14 kg thì có khả năng bị phù nề hoặc do một bệnh lý nào khác.
Trên thực tế, cơ thể phụ nữ khác nhau nên cân nặng khi mang thai cũng
khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào số cân bạn có trước khi mang bầu. Tuy nhiên,
bạn có thể dựa trên chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) của cơ thể trước khi mang
thai để tìm hiểu cân nặng của bà bầu cần có thế nào là thích hợp.
- Thân nhiệt: ta đã biết trong vòng kinh có phóng noãn, thân nhiệt của
người phụ nữ từ sau khi phóng noãn sẽ ở mức cao hơn cho đến ngày bắt đầu một
vòng kinh mới. Trường hợp đã thụ thai thì thân nhiệt trong ba tháng đầu vẫn tiếp
tục ở mức cao do tồn tại hoàng thể thai nghén. Từ tháng thứ tư trở đi, thân nhiệt
trở lại mức bình thường.