Page 18 - Giao trinh- Chăm sóc thai nghén
P. 18
- Các cơ nhất là cơ thành bụng mềm và dãn ra. Cân giữa hai cơ thẳng to
của thành bụng cũng dãn rộng, có khi gây nên thoát vị thành bụng. Hệ thống cân
và các giây chằng giữa các khớp xương cũng ngấm nước, mềm và có khả năng
dãn ra tốt hơn làm cho các khớp bất động và bán động của khung xương chậu có
khả năng hoạt động hơn tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sinh nở sau này.
- Hệ thống xương cũng bị ngấm nước nên hơi mềm ra. Có thể gặp tình
trạng loãng xương do lượng canxi được huy động ra nhiều để tạo xương cho thai
nhi. Cột xương sống khi có thai cũng có nhiều biến dạng: đoạn cổ và thắt lưng
thì ưỡn ra trước; đoạn ngực và cùng-cụt sẽ cong ra sau nhiều hơn. Những tháng
cuối của thai nghén có thể gặp hiện tượng đau, tê bì, mỏi yếu của các chi.
2.5.2. Thay đổi ở bộ máy tuần hoàn
- Khi có thai khối lượng máu tăng lên, có thể tới 50%. Vì thế lúc bình
thường khối lượng máu có khoảng 4 lít thì khi có thai tăng lên thành 6 lít. Trong
số lượng tăng lên đó, mức tăng về huyết cầu thường thấp hơn mức tăng về huyết
tương nên máu như là bị loãng và dễ bị thiếu máu. Số lượng hồng cầu chỉ tăng
20-30% do tăng erythropoietin (là hormon tác động đến quá trình sản xuất hồng
cầu). Do tác dụng pha loãng như vậy mà chỉ số hematocrit và tiểu cầu giảm.
Lượng huyết cầu tố bình thường khi không có thai ở phụ nữ là 120 gam/lít máu
hoặc hơn nhưng ở người có thai lượng huyết cầu tố trung bình chỉ là 110gram/lít.
Dưới mức này thai phụ bị coi là thiếu máu.
- Các thành phần khác trong máu có thứ tăng như bạch cầu (9.000 đến
10.000, thậm chí 12.000) nhưng công thức bạch cầu thì như cũ, tiểu cầu
(300.000 đến 400.000), các yếu tố đông máu nói chung cũng tăng. Cũng có
thành phần trong máu giảm hơn lúc chưa có thai như lượng protid huyết thanh,
canxi và sắt huyết thanh, dự trữ kiềm.