Page 104 - Chính trị
P. 104
II. Quan điểm và những nhiệm vụ chủ yếu của đường lối quốc phòng,
an ninh
Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách
thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với
sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải
quyết tâm, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn. Đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh,
trước sự tác động của tình hình thế giới và trong nước, nhiều vấn đề mới, yêu
cầu mới đặt ra đòi hỏi việc tăng cường quốc phòng, an ninh phải đẩy mạnh hơn
nữa trên cơ sở tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước trong thời
kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
1. Quan điểm của Đảng về đường lối quốc phòng, an ninh
+ Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật
tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của
cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân
dân là nòng cốt.
+ Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống
chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ
Tổ quốc.
+ Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa.
+ Tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản
lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân và Công an
nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh.
2. Những nhiệm vụ chủ yếu của quốc phòng, an ninh
Trong bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều phức tạp, Nghị quyết Đại hội
XII của Đảng xác định những nhiệm vụ chủ yếu tăng cường khả năng quốc
phòng, an ninh như sau:
+ Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc
phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
+ Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của
các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin, luận điệu sai trái, đẩy
lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.
+ Sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền
thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng.
+ Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và
toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển đảo, vùng trời
của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất
nước. Giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở
tôn trọng luật pháp quốc tế.