Page 102 - Chính trị
P. 102

Bài 6

                           TĂNG CƯỜNG QUỐC PHÒNG AN NINH, MỞ RỘNG QUAN HỆ

                           ĐỐI NGOẠI VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ Ở NƯỚC TA HIỆN NAY



                        Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một trong những quy luật
                  chung và là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân
                  và của Nhà nước xã hội chủ nghĩa nhằm bảo vệ thành quả cách mạng, bảo đảm
                  cho đất nước có điều kiện hòa bình, ổn định và phát triển. Hiện nay, khi chủ
                  nghĩa xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù
                  địch đang ra sức chống phá chủ nghĩa xã hội từ nhiều phía thì vấn đề tăng cường
                  quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế đang là
                  nhiệm vụ sống còn của các quốc gia xã hội chủ nghĩa trong đó có Việt Nam, của
                  phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

                        I. Bối cảnh Việt Nam và quốc tế
                        1. Bối cảnh quốc tế

                        * Trên thế giới trong những năm tới, tình hình sẽ còn nhiều diễn biến phức
                  tạp, nhưng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu
                  thế lớn.

                        Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Hợp
                  tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước, nhất là các
                  nước lớn ngày càng tăng. Cuộc cách mạng khoa học – công nghệ, đặc biệt công
                  nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên
                  nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia.

                        * Tình hình chính trị - an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, khó lường;
                  tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên,
                  xung đột sắc tộc, tôn giáo, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh cục bộ, chiến
                  tranh mạng… tiếp tục diễn ra gay gắt.

                        * Cục diện thế giới theo xu hướng đa cực, đa trung tâm diễn ra nhanh hơn.
                        Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, thỏa hiệp, vừa cạnh tranh,
                  đấu tranh kiềm chế lẫn nhau, tác động mạnh đến cục diện thế giới và các khu
                  vực. Những biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền
                  áp đặt, chủ nghĩa thực dụng ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế. Các thể
                  chế đa phương đứng trước những thách thức lớn. Các nước đang phát triển, nhất
                  là những nước vừa và nhỏ đang đối mặt với những cơ hội và khó khăn, thách
                  thức lớn trên con đường phát triển. Trong bối cảnh đó, tập hợp lực lượng, liên
                  kết, cạnh tranh, đấu tranh giữa các nước trên thế giới và khu vực vì lợi ích của
                  từng quốc gia là tất yếu.

                        * Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an
                  ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có
                  nhiều diễn biến phức tạp.
   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107