Page 3 - Giáo trình môn học chăm sóc sức khỏe cộng đồng
P. 3
nhau và tác động qua lại chứ không tách biệt riêng rẽ. Một người có sức khỏe thể
chất tốt (ăn tốt, ngủ tốt, cảm thấy khỏe mạnh) thường có điều kiện tốt hơn để
phát triển sức khỏe tâm thần/tinh thần hay dễ dàng hòa nhập với các hoạt động
xã hội hơn so với khi đau yếu hay gặp khó khăn về sức khỏe. Ngược lại, một
người hạnh phúc về tinh thần và có đời sống xã hội thành công cũng thường có
sức khỏe thể chất tốt hơn.
Dưới góc độ cá nhân, một người được coi là khỏe mạnh nếu người đó ít
đau ốm, ít khuyết tật, có cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội hạnh phúc; có cơ
hội lựa chọn trong công việc và nghỉ ngơi; chất lượng cuộc sống được cải thiện.
Dưới góc độ cộng đồng, một cộng đồng được coi là cộng đồng khỏe mạnh
khi người dân của cộng đồng đó có khả năng tham gia một cách hiệu quả vào
việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động phòng chống bệnh tật, hoạch định
các chính sách liên quan đến bảo vệ và nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống
của người dân được đảm bảo (an toàn, điều kiện sống và sinh hoạt, môi trường
sống…).
1.2. Quan niệm về sức khỏe toàn diện
Theo quan niệm mới, sức khỏe không chỉ là sự khỏe mạnh về mặt thể chất
mà còn phải thoải mái về các mặt khác như: tâm thần, cảm xúc, xã hội… cũng
như thích ứng tốt với những biến động của môi trường sống. Dưới đây là các
khái niệm về sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần, sức khỏe cảm xúc, sức khỏe
xã hội và sức khỏe môi trường.
Sức khoẻ thể chất: thể hiện ở trình độ phát triển thể hình, thể lực của cơ
thể và khả năng thích ứng của cơ thể với điều kiện sống và lao động. Thể hình
(tầm vóc) được thể hiện ở sự phát triển chiều cao, cân nặng và tỷ lệ giữa các bộ
phận của cơ thể. Thể lực được thể hiện ở mức độ phát triển của các tố chất thể
lực như sức mạnh, sức nhanh, sức bền, sức dẻo dai và sự khoé léo.
Sức khoẻ tâm thần: thể hiện khả năng tự làm chủ được bản thân, luôn giữ
được thăng bằng trong lý trí và trong tình cảm.
3