Page 6 - Giáo trình môn học Dược lâm sàng
P. 6
- Thực hiện và theo dõi đáp ứng điều trị
- Thiết kế lại kế hoạch điều trị, kế hoạch theo dõi dựa trên đáp ứng lâm sàng của
người bệnh.
Trong thực hành chăm sóc dược đòi hỏi người dược sĩ lâm sàng phải nắm vững đồng
thời tác dụng dược lý của thuốc và tình trạng sinh lý bệnh lý của cá thể người bệnh.
1.5. Giám sát điều trị thuốc
1.5.1. Mối liên hệ dược động học lâm sàng và hiệu quả tác dụng của thuốc
Tại cùng một chế độ điều trị, đáp ứng với thuốc thể hiện sự khác biệt rất rõ rệt giữa
các cá thể người bệnh. Nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt này đó là sự khác biệt về hấp thu,
phân bố, chuyển hóa và thải trừ thuốc trên mỗi người bệnh là khác nhau. Còn gọi là sự
khác biệt về dược động học lâm sàng. Sự khác biệt này dẫn tới những thay đổi tại thụ thể
tác dụng của thuốc ở trong hay ngoài mô hoặc tại các phân tử đích tác dụng của thuốc. Từ
đó dẫn tới sự khác biệt về dược lực học hay hiệu quả tác dụng của thuốc giữa các cá thể
người bệnh.
Cả hai sự khác biệt về dược động học lâm sàng và dược lực học của thuốc được thể
hiện qua một yếu tố trung gian có thể đo lường được và có liên hệ chặt chẽ đến kết quả
mong muốn trên lâm sàng đó là nồng độ thuốc trong dịch sinh học. Nồng độ thuốc chính
là những chỉ số thay thế (surrogate markers) cho đáp ứng điều trị thuốc của người bệnh.
Gọi là chỉ số thay thế vì những chỉ số này phản ánh gián tiếp hiệu quả của việc điều trị
thuốc như sự thuyên giảm những tình huống nguy hiểm trên lâm sàng như đột quị, cơn đau
tim, phổi tắc nghẽn...
Ví dụ, các thuốc điều trị tăng huyết áp được giám sát tác dụng trên chỉ số huyết áp,
các thuốc giảm mỡ máu được giám sát bằng tác dụng trên chỉ số cholesterol, các thuốc
chống đông đường uống được giám sát bằng chỉ số INR (tỉ số chuẩn hóa quốc tế -
International Normalized Ratio), các thuốc hạ đường huyết được đánh giá tác dụng thông
qua chỉ số HbA1c, chỉ số đường huyết lúc đói...Trong những trường hợp này, các chỉ số
đánh giá hiệu quả tác dụng của thuốc là các chỉ số trực tiếp.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hiệu quả điều trị không thể giám sát thông qua
các biến liên tục, đặc biệt là với những bệnh không thể tiên liệu hoặc diễn biến kết quả điều
trị dao động. Việc đo nồng độ thuốc trong máu chỉ xác định mỗi sự thay đổi về dược động
học, song lại có thể dùng để đánh giá gián tiếp hiệu quả điều trị và hướng dẫn hiệu chỉnh
liều dùng.
1.5.2. Khái niệm giám sát điều trị thuốc