Page 67 - Giáo trình môn học chăm sóc sức khỏe cộng đồng
P. 67
Ví dụ với cây vấn đề 1, để giải quyết được vấn đề “Việc thanh toán viện
phí bị chậm trễ” thì cần chỉnh sửa vào phần mềm nhập liệu để đảm bảo sự phù
hợp giữa phần mềm và biểu mẫu. Với cây vấn đề 2, để giải quyết vấn đề “Tỷ lệ
tiêm chủng ở trẻ dưới 2 tuổi thấp”, cần đưa ra 03 nhóm giải pháp sau: i) nhóm
giải pháp nhằm cải thiện sự hưởng ứng của người dân: thay đổi phương thức, kĩ
năng và tài liệu truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả của truyền thông; ii) nhóm
giải pháp nhằm tăng cường sự hỗ trợ của chính quyền và các ban ngành: nâng
cao nhận thức của chính quyền và các ban ngành đối với tiêm chủng để từ đó
huy động hiệu quả hơn sự tham gia và ủng hộ của họ đối với hoạt động tiêm
chủng; iii) nhóm giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận đối tượng tiêm
chủng: tổ chức đội tiêm chủng lưu động, tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế,
đảm bảo nhân lực tham gia y tế thôn bản/cộng tác viên y tế, thành lập ban chỉ
đạo và cán bộ chuyên trách về tiêm chủng mở rộng ở một số xã còn thiếu.
Trước mỗi nguyên nhân, có thể có rất nhiều giải pháp khác nhau. Ví dụ,
để nâng cao kiến thức của học sinh lứa tuổi học đường về phòng chống các tật
khúc xạ, có thể có giải pháp về giáo dục (đưa nội dung phòng chống các tật khúc
xạ vào chương trình giảng dạy chính khóa hoặc ngoại khóa của trường học),
truyền thông (tivi, báo, đài, internet, pano-áp phích, các sự kiện truyền thông, tư
vấn/truyền thông cá nhân…) hay tổ chức cuộc thi/trò chơi tìm hiểu về bệnh….
Do vậy, người lập kế hoạch cần cân nhắc kĩ để lựa chọn được giải pháp tốt nhất
với điều kiện thực tế của cộng đồng và nguồn lực. Một giải pháp tốt cần đáp ứng
được năm tiêu chuẩn lựa chọn giải pháp tối ưu dưới đây.
* 5 tiêu chuẩn lựa chọn giải pháp:
Khả thi: giải pháp được lựa chọn phải phù hợp với thực tế về điều kiện
nguồn lực của địa phương (nhân lực, vật lực, tài chính và thời gian) và với
đường lối chính trị, chính sách phát triển về kinh tế - xã hội và y tế của địa
phương.
67