Page 69 - Giáo trình môn học chăm sóc sức khỏe cộng đồng
P. 69
Xác định các hoạt động cần thực hiện theo các giải pháp. Sau đó cần lập
kế hoạch đầy đủ cho các hoạt động đã được liệt kê. Những hoạt động đã đặt ra mà
không thực hiện được hoặc không đảm bảo kỹ thuật, sẽ có thể làm ảnh hưởng tới
kết quả của các hoạt động khác cũng như kết quả chung của toàn bộ chương trình
chăm sóc sức khỏe.
4.6. Xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết
Kế hoạch hành động mô tả các công việc (hoạt động) theo trình tự cùng
với trách nhiệm thực hiện (chọn người phù hợp với nhiệm vụ triển khai hoạt
động, giám sát đánh giá hoạt động), địa điểm thực hiện (chọn địa điểm phù hợp),
thời gian (chọn thời gian tối ưu cho hoạt động), dự trù những nguồn lực cần thiết
(tiền, vật dụng/trang thiết bị…) và kết quả hay đầu ra mong đợi tương ứng với
từng hoạt động. Một bản kế hoạch hoạt động cần trả lời được các câu hỏi sau
đây:
- Cái gì?
- Khi nào?
- Ở đâu?
- Ai?
- Như thế nào?
- Kết quả dự kiến/Đầu ra mong đợi?
Thời gian, địa điểm, người thực thi, người phối hợp, người giám sát là
những yếu tố cần cân nhắc và lên kế hoạch cho từng hoạt động.
Nguồn kinh phí, vật tư và mức kinh phí: gồm tiền, các vật dụng/trang thiết
bị, thuốc men, giấy tờ/tài liệu. Trong bản kế hoạch phải nêu đầy đủ các mục này
và dự trù cho từng hoạt động trên cơ sở tiết kiệm và tận dụng những nguồn lực
có sẵn và/hoặc những nguồn lực dễ huy động.
Kết quả dự kiến: Đối với người thực hiện, kết quả dự kiến là các đầu ra
hay kết quả cần đạt được cho từng công việc (hoạt động) cụ thể. Đối với người
quản lý, đây là cơ sở để theo dõi tiến độ thực hiện và đánh giá kết quả hoạt động.
69