Page 56 - Giáo trình môn học Ký sinh trùng
P. 56
Khả năng chịu đựng hoá chất của trứng giun kim: Trứng giun kim không bị
hỏng trong các dung dịch hoá chất như formalin 10%, xà phòng 2%. Trứng giun
kim bị chết trong cresyl 10% sau 5 phút, trong cồn sau 1 giờ 40 phút. Trong
nước, trứng giun kim chết sau vài tuần. Trong điều kiện thuận lợi, trứng giun
kim có thể sống được 1 tháng.
4.3.3. Tình hình nhiễm giun kim ở Việt Nam
Giun kim có chu kỳ phát triển ngay trên người, không phụ thuộc vào những
yếu tố địa lý nên bệnh giun kim phân bố rộng khắp mọi nơi. Mức độ phân bố
của bệnh giun kim chủ yếu tuỳ thuộc vào trình độ vệ sinh, nếp sinh hoạt. Trẻ em
là lứa tuổi dễ mắc bệnh.
Bệnh giun kim thường mang tính tập thể nhỏ và gia đình. Trứng và ấu
trùng giun kim có thể khuyếch tán ở mọi chỗ: ở chăn, chiếu và mọi vật dụng
khác như ghế ngồi. Đối với trẻ em nhiễm giun kim có thể thấy trứng giun kim ở
các móng tay, ở đũng quần.
4.4. Tác hại
- Ngứa hậu môn: là triệu chứng thường gặp nhất, thường xuất hiện về đêm
do giun cái bò ra hậu môn để đẻ trứng, trẻ nhỏ quấy khóc, có thể gặp mê sảng,
đái đầm, nghiến răng khi ngủ...
- Rối loạn tiêu hóa: tác hại của giun kim chủ yếu là gây viêm ruột, gây rối
loạn tiêu hóa và hấp thu sinh chất, có thể gây suy dinh dưỡng, còi xương nếu
bệnh kéo dài. Giun kim có thể chui lên ruột non, chui vào thành ruột, thường
gặp ở chỗ tiếp giáp với manh tràng. Giun kim có thẻ chui vào ruột thừa gây
viêm ruột thừa. Những tổn thương ở ruột có thể gây tình trạng chán ăn, buồn
nôn, tiêu chảy.
- Rối loạn thần kinh: giun kim cái đẻ trứng ở nếp nhăn rìa hậu môn gây
ngứa làm trẻ em mất ngủ, quấy khóc về đêm. Nếu bị nhiễm nhiều giun, trẻ có
thể có cơn co giật kiểu động kinh, chậm lớn, xanh xao, gầy còm.
- Giun kim còn có thể gây tác hại ở cơ quan sinh dục nữ: viêm âm đạo,
viêm vòi trứng...
53