Page 5 - Giáo trình môn học Siêu âm
P. 5
phản hồi sóng âm và hấp thụ sóng âm của mô cấu trúc đó. Sự lan truyền của
sóng siêu âm trong cơ thể thay đổi theo cấu trúc các bộ phận. Siêu âm truyền
tốt nhất trong môi trường lỏng (1500m/giây) rồi đến phần mềm và cơ. Đối với
môi trường khí, sóng âm tần số <100KHz có thể truyền đi trong không khí với
tốc độ 350m/giây. Nhưng từ 100KHz trở lên, siêu âm truyền rất kém trong
không khí. Tác dụng của siêu âm bị hạn chế rất nhiều khi thăm dò các tạng có
nhiều khí như phổi, ống tiêu hóa. Vì thế trong siêu âm thường thấy một số
dấu hiệu sau đây:
- Dấu hiệu tăng âm: mô tả cấu trúc có mật độ âm tăng so với mật độ âm
của cấu trúc xung quanh hoặc so với cấu trúc của tạng trong thăm khám.
- Dấu hiệu giảm âm: mô tả cấu trúc có mật độ âm giảm so với mật độ
âm của cấu trúc xung quanh.
- Dấu hiệu đồng âm: mô tả cấu trúc có độ âm ngang bằng với độ hồi
âm của cấu trúc xung quanh. Loại này thường khó phát hiện và thường dựa
vào dấu hiệu đè đẩy các tổ chức xung quanh.
- Dấu hiệu trống âm: mô tả cấu trúc không được sóng âm phản hồi, trên
màn hình hiển thị màu đen. Trong cơ thể, phần lớn mô dịch có đặc tính này
như máu, dịch mật, nước tiểu.
Các thuật ngữ trên mô tả mức độ hấp thụ âm của cấu trúc, khi mô tả dạng
thức hấp thụ âm của cấu trúc, có hai thuật ngữ thường dùng:
+ Đồng nhất: mô tả sự đồng đều về mặt hấp thụ âm trên toàn cấu trúc.
+ Không đồng nhất: mô tả cấu trúc có mức độ hồi âm khác nhau.
Như vậy, siêu âm có khả năng phân biệt được cấu trúc của một khối
choán chỗ:
- Khối lỏng: tạo thành vùng rỗng âm (không có hồi âm bên trong) mặc
dù khuếch đại máy lên cao. Những cấu trúc định vị ngay phía sau sẽ có biên
độ hồi âm lớn hơn so với cấu trúc xung quanh ở cùng độ sâu, hiện tượng này
gọi là tăng âm phía sau. Trong cơ thể các u nang, tụ máu cho hình ảnh này.
5