QUY ĐỊNH

KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC TỐI THIỂU, YÊU CẦU VỀ NĂNG LỰC MÀ NGƯỜI HỌC CẦN ĐẠT ĐƯỢC SAU KHI TỐT NGHIỆP

TRÌNH ĐỘ TRUNG CẤP

NGÀNH/ NGHỀ: KỸ THUẬT PHỤC HÌNH RĂNG

(Ban hành kèm theo Quyết định       /QĐ-CĐYTHN ngày       tháng      năm 2019 của Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế Hà Nội)

1. Giới thiệu chung về ngành nghề

Nội dung chương trình đào tạo Kỹ thuật Phục hình răng bao gồm những kiến thức cơ bản về chính trị; tin học; ngoại ngữ; giáo dục thể chất; pháp luật; giáo dục quốc phòng - an ninh; giải phẫu - sinh lý; vi sinh - ký sinh trùng; các kiến thức và kỹ năng cơ bản về chăm sóc răng miệng và các kỹ thuật phục hình răng, đáp ứng yêu cầu bậc 4 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Để hành nghề, Kỹ thuật viên Phục hình răng phải có sức khỏe tốt, có y đức, có đủ kiến thức về chính trị, pháp luật, kiến thức về chuyên môn và kỹ năng giao tiếp đáp ứng vị trí công việc. Nội dung phần thực hành, thực tập của các học phần chuyên môn và thực tập tốt nghiệp được bố trí thành những học phần riêng để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho hiệu quả.

Khối lượng kiến thức tối thiểu: 1.700 giờ (tương đương 60 tín chỉ).

Trình độ đào tạo: trung cấp.

Mã ngành đào tạo: 5720605.

Thời gian đào tạo: 2 năm.

Đối tượng: tốt nghiệp phổ thông trung học.

2. Kiến thức

- Trình bày được các đặc điểm về hình thái và chức năng của bộ răng và bộ máy nhai.

- Trình bày được thành phần và tính chất của các vật liệu nha khoa sử dụng trong phục hình răng

-  Mô tả được các giai đoạn của quá trình thực hiện một hàm giả tháo lắp toàn phần, từng phần.

-  Mô tả được các giai đoạn thực hiện một phục hình cố định thông thường.

-  Trình bày được các nguyên tắc cấp cứu răng hàm mặt và nguyên tắc khử khuẩn trong nha khoa.

- Trình bày được những kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật, quốc phòng an ninh, giáo dục thể chất theo quy định.

3. Kỹ năng

- Làm được các loại phục hình tháo lắp hàm giả toàn phần, từng phần, các loại hình răng cố định thông thường.

- Vận hành và bảo quản được các trang thiết bị, máy móc, vật tư hoá chất phục hình răng.

- Sơ cứu và chăm sóc cho người bệnh răng hàm mặt tại các cơ sở y tế.

- Thực hiện được công tác giáo dục sức khoẻ để phòng chống bệnh răng miệng cho cộng đồng và hướng dẫn cho các Kỹ thuật viên phục hình răng ở các cơ sở y tế.

- Sử dụng được công nghệ thông tin cơ bản theo quy định; ứng dụng công nghệ thông tin trong một số công việc chuyên môn của ngành, nghề;

- Sử dụng được ngoại ngữ cơ bản, đạt bậc 1/6 trong Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam; ứng dụng được ngoại ngữ vào một số công việc chuyên môn của ngành, nghề.

4. Mức độ tự chủ và trách nhiệm

- Làm việc độc lập hoặc làm việc theo nhóm, giải quyết công việc trong điều kiện làm việc thay đổi;

- Chịu trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm đối với nhóm;

- Đánh giá chất lượng công việc sau khi hoàn thành và kết quả thực hiện của cá nhân;

- Tuân thủ đúng các quy định về y đức, các quy chế chuyên môn, các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực điều dưỡng và các quy trình kỹ thuật của ngành y tế.

- Thận trọng, tỉ mỉ, tự chịu trách nhiệm với kết quả công việc của cá nhân.

5. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp

Sau khi tốt nghiệp người học có năng lực đáp ứng các yêu cầu tại các vị trí việc làm của ngành, nghề bao gồm:

- Nhân viên kỹ thuật tại các phòng khám răng;

- Nhân viên tại các xưởng;

- Nhân viên chăm sóc sức khỏe gia đình và cộng đồng.

6. Khả năng học tập, nâng cao trình độ

- Khối lượng khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp ngành, nghề Kỹ thuật Phục hình răng trình độ trung cấp có thể tiếp tục phát triển ở các trình độ cao hơn;

- Người học sau tốt nghiệp có năng lực tự học, tự cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ trong phạm vi ngành, nghề để nâng cao trình độ hoặc học liên thông lên trình độ cao hơn trong cùng ngành nghề hoặc trong nhóm ngành nghề hoặc trong cùng lĩnh vực đào tạo.