Page 4 - Giáo trình môn học đại cương hộ sinh
P. 4
2. Bối cảnh chung về Hộ sinh
2.1. Hộ sinh Việt Nam
Theo Niên giám thống kê Y tế năm 2011, hộ sinh trình độ trung cấp và điều dưỡng
sản phụ trình độ cao đẳng và đại học chiếm 6,57% tổng số nhân lực y tế trong toàn quốc,
tăng 0,22% so với năm 2007. Địa bàn làm việc của hộ sinh từ bệnh viện tuyến Trung
ương đến trạm y tế xã, trong đó số lượng hộ sinh làm việc tại tuyến cơ sở chiếm tỷ lệ cao
(54%).
Hộ sinh Việt Nam, ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, họ
còn thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn khác tại cơ sở y tế và cộng đồng như: Tư vấn
chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở mọi lứa tuổi; khám và điều trị một số tình trạng
bệnh lý phụ khoa thông thường; tư vấn và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; tư vấn
và thực hiện phá thai an toàn với tuổi thai dưới 7 tuần; chăm sóc sức khỏe trẻ em dưới 5
tuổi; tiêm chủng mở rộng…
Về đào tạo, tại Việt Nam, hộ sinh đã được đào tạo từ những năm 40 của thế kỷ
XX, bắt đầu là trường Hộ sinh Đông Dương tại Sài Gòn, sau đó phát triển ra toàn quốc
nhưng chỉ dừng lại ở trình độ trung cấp. Từ năm 2010, bắt đầu có đào tạo hộ sinh trình độ
cao đẳng (3 năm). Tính đến năm 2013, toàn quốc có 63 cơ sở đào tạo hộ sinh trình độ
trung cấp, 20 cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng và một số trường đại học đào tạo cử nhân
điều dưỡng chuyên ngành sản phụ. Ngoài chương trình đào tạo hộ sinh trình độ cao đẳng
đã được thiết kế trên cơ sở Chuẩn Năng lực hộ sinh quốc tế, các chương trình khác chưa
đáp ứng được đầy đủ yêu cầu này.
Một thực trạng tương tự như nhiều nước trên thế giới và thách thức đặt ra với công
tác đào tạo Hộ sinh Việt Nam là chưa có hộ sinh trình độ đại học trở lên. Vì vậy, giảng
viên tham gia đào tạo hầu hết vẫn là đội ngũ đại học và trên đại học các chuyên ngành
gần là sản khoa và nhi khoa. Vì vậy, Chuẩn Năng lực cơ bản của hộ sinh Việt Nam sẽ
giúp cho việc thống nhất nội dung đào tạo, phương pháp dạy học cho hộ sinh.
2.2. Hộ sinh quốc tế
Liên đoàn hộ sinh quốc tế (ICM) là Hiệp hội của ngành hộ sinh trên toàn thế giới.
ICM phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tổ chức của Liên hợp
quốc, các Chính phủ nhằm hỗ trợ chương trình “Làm mẹ an toàn và các chiến lược chăm
sóc sức khỏe ban đầu phục vụ các gia đình trên toàn cầu”. ICM lãnh trách nhiệm đi đầu
trong việc định nghĩa, xây dựng, phác họa khả năng hành nghề hộ sinh trên thực tế (năng
lực hộ sinh thiết yếu). ICM cũng phát triển tiêu chuẩn năng lực, khung năng lực và
chương trình đào tạo hộ sinh cho các trường y tế, định hướng cho việc phát triển quy chế
thực hành hộ sinh; hỗ trợ các quốc gia tăng cường khả năng của các hiệp hội hộ sinh và
phát triển lãnh đạo ngành hộ sinh toàn cầu. Với trách nhiệm đó, ICM đã ban hành “Năng
lực cơ bản cho thực hành Hộ sinh” năm 2010 và đã được bổ sung, chỉnh sửa năm 2013.
Thông qua bộ tài liệu này cụm từ “Năng lực” được sử dụng rộng rãi cho quản lý
hộ sinh, cũng như được sử dụng để thiết kế yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ cho hộ
sinh thực hành an toàn trên mỗi hoạt động của mình. “Năng lực” cũng trả lời cho những
câu hỏi “Một hộ sinh sẽ phải hiểu biết những gì?” và “Là hộ sinh thì phải làm gì?”.
Những năng lực này đều dựa vào bằng chứng. Hầu hết những năng lực này được
xem như cơ bản hoặc cốt lõi, nghĩa là chúng cũng sẽ trở thành tiêu chuẩn đầu ra cho
những sinh viên hộ sinh sau khi tốt nghiệp.