Page 253 - Giáo trình môn học Cấu tạo cơ thể
P. 253
Nhãn cầu là bộ phận quan trọng nhất của mắt, nằmở 1/3 trước ổ mắt và
nhô ra khỏi thành ngoài của ổ mắt. Nhãn cầu đường kính trung bình là 24mm,
có 2 cực trước và sau. Nhãn cầu được vây quanh bởi 3 lớp áo (lớp vỏ), bên
trong các lớp áo là môi trường trong suốt trong đó có thấu kính và các buồng
của nhãn cầu.
2.1.1.1. Các lớp vỏ nhãn cầu
Từ ngoài vào trong gồm lớp xơ, lớp mạch và lớp võng mạc:
- Lớp xơ: Coi như một lớp bảo vệ nhãn cầu và được chia làm 2 phần:
+ Giác mạc là phần trong suốt, chiếm 1/6 phía trước nhãn cầu, cho ánh
sáng đi qua.
+ Củng mạc chiếm 5/6 phía sau (còn gọi là lòng trắng), nó là chỗ bám
cho gân các cơ ngoài nhãn cầu và bị các mạch máu và thần kinh xuyên qua.
Ở chỗ tiếp nối giữa giác mạc và củng mạc có xoang tĩnh mạch củng mạc.
Củng mạc có vai trò bảo vệ vàđịnh hình cho nhãn cầu, độ lồi và sự trong suốt
của giác mạc giúp cho nó hội tụánh sáng vào võng mạc.
- Lớp mạch: Từ trước ra sau có 3 phần: mống mắt, thể mi và màng mạch.
+ Màng mạch là màng mỏng chiếm 2/3 sau của lớp mạch, nằm giữa lớp
củng mạc và võng mạc. Nó được cấu tạo bởi các tế bào sắc tố và các tiểu động
mạch, tiểu tĩnh mạch và mao mạch. Vì vậy màng mạch có chức năng chính là
dinh dưỡng cho lớp ngoài của võng mạc và tạo thành buồng tối cho nhãn cầu.
+ Thể mi là một vòng dẹt, phần dày lên của màng mạch nối liền màng
mạch với mống mắt gồm có cơ thể mi và mỏm mi (nếp gấp thể mi). Các mỏm
mi được nối với thấu kính bằng các dây chằng. Các sợi cơ trơn trong thể mi
tạo nên cơ thể mi có tác dụng điều tiết độ lồi của thể thấu kính khi ta nhìn gần
hoặc xa. Mỏm mi là nguồn tiết ra thuỷ dịch.
+ Mống mắt (còn gọi là lòng đen) là 1 lớp sắc tố hình vành khăn nằm
theo mặt phẳng đứng chắn ngang giữa thấu kính và giác mạc, ở trung tâm của
nó là con ngươi (hay là đồng tử) có tác dụng điều tiết lượng ánh sáng vào
nhãn cầu. Mống mắt chứa các tế bào sắc tố và các cơ trơn (gồm cơ vòng làm
co đồng tử, cơ hình tia làm giãn đồng tử).
249