Page 45 - Giáo trình môn học Chăm sóc sức khỏe trẻ em
P. 45
+ Vắc xin dưới đơn vị: được bào chế bằng cách phân lập các thành phần kháng
nguyên từ vi khuẩn, vi rút (thường là các độc tố của vi khuẩn hoặc vi rút).
+ Vắc xin thế hệ mới sản xuất bằng công nghệ gen hay còn gọi là vắc xin tái tổ
hợp: được bào chế bằng cách tách gen kháng nguyên khỏi vi sinh vật để ghép vào
một hệ thống plasmid vector thích ứng.
2.2 Các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng
2.2.1. Vắc xin BCG
- Liều dùng: 0,1ml 1 liều
- Đường dùng: Tiêm trong da ở phía trên cánh tay trái. Sau khi được tiêm vắc xin
trẻ phải có sẹo tại chỗ tiêm.
- Những phản ứng sau khi tiêm vắc xin BCG
+ Phản ứng thông thường: khoảng 2 tuần sau khi tiêm vắc xin, chỗ tiêm có một nốt
đỏ, hơi sưng, đường kính khoảng 4mm, 2 - 3 tuần sau trở thành ổ áp xe nhỏ rồi loét
ra và tự lành để lại vết sẹo có đường kính khoảng 5mm, điều đó chứng tỏ trẻ đã có
miễn dịch.
+ Phản ứng tại chỗ: sưng, đau, đỏ. Thường các triệu chứng tại chỗ sẽ tự khỏi trong
vòng 1 tuần mà không cần điều trị.
+ Phản ứng viêm hạch: biểu hiện áp xe sâu hơn, sưng hạch nách hoặc gần khuỷu
tay có thể có 1 lỗ rò trên hạch cùng bên với vị trí tiêm phòng lao, xảy ra trong vòng
2-6 tháng sau tiêm phòng.
Xử trí: Thường chỉ cần theo dõi hạch, hạch tự nhỏ đi và hết sưng mà không cần
điều trị gì. Nếu có vết rò trên hạch chuyển trẻ đến bệnh viện vì một số trường hợp
cần phải điều trị bằng chích dẫn lưu và dùng thuốc lao tại chỗ.
+ Nhiễm khuẩn BCG lan tỏa: nhiễm khuẩn BCG lan tỏa diện rộng xảy ra trong
vòng 1 đến 12 tháng sau tiêm phòng và chẩn đoán được bằng cách phân lập được vi
khuẩn lao. Nhiễm khuẩn BCG lan tỏa chiếm tỷ lệ 1/1.000.000 trường hợp, hay xảy
ra ở những trẻ bị nhiễm HIV hoặc thiếu hụt miễn dịch nặng.
Xử trí: chuyển trẻ đến bệnh viện để dùng thuốc chống lao.
45