Page 214 - Giáo trình môn học Chăm sóc sức khỏe trẻ em
P. 214
- Do thói quen đưa đồ vật vào miệng của trẻ nhỏ hoặc ở một số người lớn.
- Do đùa, cười trong khi đang ăn, uống, cho trẻ ăn ở tư thế nằm, ép trẻ ăn khi đang
khóc.
- Do liệt hoặc tổn thương vùng hầu họng: liệt màn hầu, khe hở môi...
- Do tai biến phẫu thuật: khi gây mê, răng giả rơi vào đường thở, mảnh V.A khi
nạo, khi lấy dị vật ở mũi bị rơi vào họng và rơi vào đường thở.
3. Triệu chứng
3.1. Hội chứng xâm nhập
Trẻ đang chơi với các vật nhỏ hoặc đang ăn uống đột ngột xuất hiện ho sặc
sụa, tím tái, giãy giụa, vật vã, ngạt thở trong chốc lát và sẽ mất đi nếu dị vật được
tống ra ngoài hay tụt sâu xuống phế quản.
Hiện tượng này xảy ra do dị vật đi qua thanh quản kích thích niêm mạc thanh
quản, chức năng phản xạ bảo vệ đường thở của thanh quản được huy động, thanh
quản co thắt lại để tống dị vật ra ngoài.
Hội chứng xâm nhập là dấu hiệu dùng để nhận biết trẻ bị dị vật đường thở,
tuy nhiên các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có khoảng 12-25% các trường hợp dị vật
đường thở không có dấu hiệu này.
Nếu dị vật không bật được ra ngoài và rơi xuống phía dưới đường thở thì
ngoài dấu hiệu của hội chứng xâm nhập trẻ có thể có các triệu chứng khác tùy
thuộc và vị trí và kích thước của dị vật trong đường thở.
3.2. Các triệu chứng định khu
3.2.1 Dị vật ở thanh quản
- Nếu dị vật tròn, kích thước 5-10mm trẻ có thể ngạt thở và tử vong ngay nếu
không được cấp cứu hiệu quả trong vài phút đầu tiên.
- Nếu dị vật xù xì cắm vào thanh quản: trẻ có khàn tiếng và khó thở tùy thuộc kích
thước dị vật.
- Nếu dị vật dài, mảnh: trẻ khàn tiếng, khó chịu và có thể không có khó thở.
214