Page 60 - Giáo trình môn học nghiên cứu khoa học
P. 60
- Tên đề tài nghiên cứu phải được nêu ra một cách cụ thể, ngắn gọn,
chính xác và bao hàm được nội dung nghiên cứu, do vậy cần chọn lọc từ ngữ
sao cho chứa đựng được các thông tin có ý nghĩa và hấp dẫn người đọc.
- Hình thức: tên đề tài nghiên cứu thường không dài quá 34 từ và chứa
đựng 4 thành phần sau:
+ Vấn đề nghiên cứu
+ Đối tượng nghiên cứu
+ Địa điểm nghiên cứu
+Thời điểm nghiên cứu
2.2. Một số ví dụ về tên đề tài nghiên cứu
Ví dụ 1: Đánh giá thực trạng tuân thủ quy trình rửa tay thường quy của
nhân viên y tế tai khoa Ngoại, bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, năm 2021.
Ví dụ 2: Thực trạng kiến thức, thái độ và thực hành phòng chống sốt xuất
huyết của người dân tại xã A, huyện B, tỉnh C năm 2021.
3. Mục tiêu nghiên cứu
3.1. Khái niệm mục tiêu nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu là phần tóm tắt nhất những gì mà nghiên cứu mong
muốn đạt được. Nó liên quan chặt chẽ với phần đặt vấn đề và phải phù hợp với
tên đề tài nghiên cứu, với nhiệm vụ của đề tài nghiên cứu.
Mục tiêu phải được xác định sao cho phù hợp với nội dung và khả năng
giải quyết của đề tài. Không thể nêu ra mục tiêu theo ý muốn chủ quan mà nội
dung và khả năng của đề tài không thể giải quyết được.
Mục tiêu nghiên cứu giúp cho nhà nghiên cứu: xác định rõ nội dung
nghiên cứu, tránh thu thập thông tin thừa và định hướng cho việc phân tích và
báo cáo kết quả nghiên cứu.
Mỗi đề tài thường đưa ra mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể.
3.2. Mục tiêu tổng quát
Mục tiêu tổng quát là sự khái quát điều mà nghiên cứu mong muốn đạt được.
Đôi khi mục tiêu tổng quát được phản ánh bởi chính tên đề tài nghiên cứu.
60