Page 6 - Hóa phân tích
P. 6
BÀI 1: ĐẠI CƯƠNG VỀ HÓA HỌC PHÂN TÍCH
Mục tiêu học tập
1. Trình bày được tầm quan trọng và vị trí môn hoá học phân tích.
2. Trình bày được một số khái niệm, định nghĩa thường dùng trong
hoá học phân tích.
3. Chủ động, tích cực và sáng tạo trong học tập
1. Vai trò và vị trí môn Hóa học phân tích
Hoá học phân tích là khoa học về các phương pháp phân tích vật chất.
Cùng với các môn hoá học đại cương, hoá học vô cơ, hoá học hữu cơ, hoá keo,
hoá lý hoá học phân tích là một phần của khoa học hoá học. Hóa phân tích
thường được chia thành Hóa phân tích định tính và Hóa phân tích định lượng.
Ngày nay, hoá học phân tích thường dùng để phân tích định tính, định
lượng, xác định cấu trúc đánh giá kết quả và chất lượng sản phẩm, tách, phân
chia, làm sạch, điều chế các hợp chất siêu tinh khiết .v.v...
Các phương pháp của hóa học phân tích có thể được chia thành hai loại:
định tính và định lượng. Ngoài ra còn được phân thành các phương pháp hóa
học và các phương pháp phân tích vật lý và hóa lý.
Nhóm các phương pháp hóa học: Sử dụng chủ yếu các phản ứng hóa học
và các thiết bị đơn giản như buret, pipet, cân ... để phân tích các chất. Các
phương pháp hóa học ra đời rất sớm (còn gọi là các phương pháp phân tích cổ
điển) thường để xác định lượng không quá nhỏ các chất. Các phương pháp hóa
học là cơ sở để phát triển các phương pháp phân tích hiện đại và không bao giờ
thiếu được ở các phòng thí nghiệm phân tích.
Nhóm các phương pháp vật lý và hóa lý (các phương pháp phân tích công
cụ): Sử dụng các thiết bị, máy móc phức tạp để đo hoặc ghi lại các đại lượng
vật lý hoặc hóa lý như độ phát xạ, độ phóng xạ, sự thay đổi màu sắc, độ đục, độ
dẫn điện ... Đây là nhóm các phương pháp hiện đại, ra đời vào khoảng vài chục
năm trở lại đây, chúng cho phép phân tích nhanh và khá chính xác lượng nhỏ
các chất nên được ứng dụng rộng rãi trong nghiên cứu và trong y học
1