Page 178 - Giáo trình môn học Cấu tạo cơ thể
P. 178
Bài 13: CẤU TẠO GIẢI PHẪU VÀ CHỨC NĂNG HỆ TUẦN HOÀN
Mục tiêu học tập
Kiến thức:
1. Mô tả được vị trí, hình thể - liên quan, cấu tạo và chức năng của tim
2. Mô tả vị trí, đường đi, liên quan và chức năng của một số mạch máu lớn
trong cơ thể
Kỹ năng:
4. Chỉ và gọi tên chính xác các thành phần của hệ tuần hoàn trên tranh và trên
mô hình.
5. Xác định được một số vị trí ứng dụng để đo huyết áp, ép tim, bắt mạch trên
cơ thể người.
Thái độ:
6. Thể hiện được tính tích cực, nghiêm túc trong quá trình học thực hành trên lớp.
NỘI DUNG
1. Tim
1.1. Vị trí và trục của tim
Tim là một khối cơ rỗng có cấu tạo đặc biệt để đảm nhiệm vai trò trạm
đầu mối của các vòng tuần hoàn phổi và tuần hoàn hệ thống.
Tim nằm trong lồng ngực, giữa hai phổi, trên cơ hoành, sau xương ức và
tấm ức - sụn sườn và hơi lệch sang trái. Tim có màu đỏ hồng, mật độ chắc,
nặng khoảng 270 gr ở nam, 260 gr ở nữ. Trục của tim là một đường chếch
xuống dưới, sang trái và ra trước.
1.2. Hình thể ngoài và liên quan
Tim trông giống một hình tháp có ba mặt, một đỉnh và một nền; đỉnh tim
hướng sang trái, xuống dưới và ra trước, nền hướng ra sau, lên trên và sang phải.
Mặt ức -sườn hay mặt trước có rãnh vành chạy ngang chia thành hai phần.
- Phần trên hay phần tâm nhĩ bị các cuống mạch lớn từ tim đi ra che lấp
ở quãng giữa, đó là thân động mạch phổi (ở trước - trái) và động mạch chủ
lên (ở sau - phải) hai bên các mạch lớn là các tiểu nhĩ phải và trái.
174