Page 3 - Hóa dược
P. 3
LỜI NÓI ĐẦU
Hoá dược là một môn khoa học nghiên cứu về hóa học của các hợp chất dùng
làm thuốc. Nội dung nghiên cứu của hóa dược bao gồm: nguồn gốc, công thức
cấu tạo, danh pháp, phương pháp điều chế, liên quan cấu trúc tác dụng của thuốc,
cơ chế tác dụng liên quan đến cấu trúc, tính chất lý hóa học, phương pháp kiểm
tra chất lượng thuốc và phương pháp bảo quản.
Trong chương trình đào tạo dược sỹ, môn Hóa dược đóng vai trò là môn học
trung tâm. Để hiểu được hóa dược sinh viên cần kiến thức của các môn khoa học
và chuyên ngành cơ sở như hóa đại cương – vô cơ, hóa phân tích, vật lý – hóa lý,
hóa hữu cơ, hóa sinh, giải phẫu sinh lý, bệnh học... Kiến thức của môn Hóa dược
là hết sức cần thiết cho sinh viên học các môn học chuyên ngành như dược lý,
dược lâm sàng, bào chế, kiểm nghiệm thuốc...
Giáo trình Hóa dược này được biên soạn phục vụ cho việc học tập của sinh
viên hệ cao đẳng dược. Sách được bố cục làm 12 chương, giới thiệu những nhóm
thuốc quan trọng nhất. Để tiện cho việc học tập các môn liên quan, giáo trình sắp
xếp các chương và nhóm thuốc theo tác dụng dược lý. Trong mỗi chương thường
trình bày vắn tắt phần đại cương, sau đó giới thiệu các nhóm thuốc cụ thể, trong
đó đề cập đến cấu tạo chung (nếu có), tính chất lý hóa học chung, liên quan cấu
trúc tác dụng và phương pháp điều chế chung. Với mỗi nhóm thuốc cũng thường
có phần đại cương, tiếp theo giới thiệu các thuốc điển hình trong mỗi nhóm. Các
thuốc được lựa chọn ưu tiên trong danh mục thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành
năm 2005. Mỗi thuốc được trình bày theo thứ tự các nội dung: tên thuốc, cấu tạo,
tên khoa học, phương pháp điều chế (với một số thuốc đại diện), tính chất lý học,
hóa học, phương pháp định tính, thử tinh khiết, định lượng, tác dụng (cách dùng
– liều dùng) và phương pháp bảo quản cùng các lưu ý riêng.
Sau khi học xong môn học Hóa dược, sinh viên phải có khả năng:
- Trong mỗi chương, trình bày được các nhóm thuốc, các thuốc chính trong
mỗi nhóm dùng trong điều trị; mối liên quan giữa cấu trúc hoá học và tác dụng
(nếu có).
- Trình bày được những thuốc điển hình trong mỗi nhóm bao gồm nguồn gốc
và nguyên tắc điều chế, công thức cấu tạo, tính chất lý hoá và ứng dụng các tính
chất vào kiểm nghiệm (định tính, thử tinh khiết, định lượng), pha chế, bảo quản.
Trong quá trình biên soạn, mặc dù tác giả đã có nhiều cố gắng song có thể
vẫn còn những sai sót, hạn chế. Chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến
đóng góp của các bạn đồng nghiệp và sinh viên để sửa chữa bổ sung, hoàn thiện
cho các lần xuất bản tiếp theo. Xin chân thành cảm ơn.
Tác giả