Quy trình

Quy trình nghiên cứu khoa học

Quy trình nghiên cứu khoa học cơ bản bao gồm các bước sau:
 

Quy trình nghiên cứu khoa học 

      1.  Lựa chọn đề tài nghiên cứu

Xác định đề tài là tìm vấn đề làm đối tượng nghiên cứu. Vấn đề của khoa học và thực tiễn là vô cùng phong phú, xác định cho mình một vấn đề nghiên cứu không phải là việc làm đơn giản. Phát hiện được vấn đề để nghiên cứu nhiều khi còn khó hơn cả giải quyết nó và lựa chọn đề tài đôi khi quyết định cả phương hướng chuyên môn trong sự nghiệp của bản thân người làm nghiên cứu. Nếu chọn đúng, nghiên cứu của bạn sẽ đưa ra được nhiều điều thú vị. Ngược lại, nếu bạn chọn sai, nghiên cứu sẽ nghèo nàn và không nói lên được điều gì hay ho. Vì vậy, khi xác định đề tài nghiên cứu, người nghiên cứu cần chú ý tới các yêu cầu như:

-         Tính khoa học

-         Tính mới

-         Tính khả thi

-         Tính thực tiễn

 

2. Xác định câu hỏi, giả thuyết và phương pháp nghiên cứu

Bước 1 trong quy trình này được tính là hoàn thành khi bạn đã có quyết định khá chắc chắn, sẵn sàng cho các bước tiếp theo chứ không phải là chọn đại một đề tài nào đó, điều đó đồng nghĩa bạn phải hình dung tương đối rõ ràng về đề tài của mình.

Câu hỏi nghiên cứu chính là vẫn đề mà người nghiên cứu muốn “khám phá” khi thực hiện công trình nghiên cứu của mình. Trong khi đó phần luôn đi cùng câu hỏi nghiên cứu chính là những giả thuyết – các câu trả lời phỏng đoán. Cần lưu ý rằng những giả thuyết này được đặt ra dựa trên kết quả của những nghiên cứu trước đó hoặc quan điểm của tác giả, với một lượng giới hạn và chưa biết đúng hay sai. Dựa vào những phỏng đoán này, người nghiên cứu sẽ có hướng tìm kiếm để kiểm chứng và đưa ra kết luận trong bước cuối cùng.

Trong bước này, phương pháp nghiên cứu cũng cần được làm rõ, bởi tùy thuộc vào câu hỏi nghiên cứu và những điều kiện khách quan thì phương pháp nghiên cứu sử dụng sẽ khác nhau

 

3. Xây dựng đề cương nghiên cứu

Đề cương nghiên cứu là văn bản dự kiến các bước đi, nội dung của công trình và các bước tiến hành để trình cơ quan và tổ chức tài trợ phê duyệt, nó là cơ sở để làm việc với các đồng nghiệp. Xây dựng đề cương nghiên cứu là một bước rất quan trọng, nó giúp cho người nghiên cứu giành được thế chủ động trong quá trình nghiên cứu. Có đề cương mới sắp xếp được kế hoạch chi tiết cho hoạt động nghiên cứu. Đề cương và kế hoạch tuy hai văn bản này có nhiều điểm tương tự nhưng thật ra về tính chất là khác nhau, kế hoạch chỉ vạch ra diễn biến, trình tự các hoạt động, còn đề cương đi vào các nội dung của việc nghiên cứu. Các nội dung nghiên cứu phải được trình bày rõ ràng, đầy đủ trong một đề cương.

Nội dung của đề cương nghiên cứu thường bao gồm các nội dung sau đây:

-         Lý do chọn đề tài, mục đích nghiên cứu và lịch sử vấn đề nghiên cứu

-         Khách thể và đối tượng nghiên cứu

-         Giả thuyết khoa học

-         Các nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu

-         Các nguồn tài liệu và các phương pháp nghiên cứu

-         Dự kiến dàn ý công trình nghiên cứu

-         Kế hoạch nghiên cứu
 

4. Thu thập, xử lí và phân tích dữ liệu

Một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động nghiên cứu chính là thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu. Cần xác định rõ loại dữ liệu gì (định tính hay định lượng, sơ cấp hay thứ cấp…) để tìm ra cách thu thập hiệu quả, phù hợp.

Các dữ liệu thu thập được chưa thể sử dụng ngay được mà phải qua quá trình sàng lọc để loại bỏ các dữ liệu bị lỗi, không tin cậy. Sau khi đã xử lý dữ liệu, người nghiên cứu sẽ tiếp tục phân tích, hệ thống hóa dữ liệu để đưa ra các kết luận kiểm định cho giả thuyết đã đặt ra ban đầu và các đánh giá khác.
 

5. Viết báo cáo kết quả nghiên cứu

Đây chính là bước cuối cùng để hoàn thành một nghiên cứu. Ngay từ tên gọi, hoạt động này thiên về “tư duy” và diễn dịch ở dạng viết để người đọc có thể hiểu và đánh giá cao chất lượng của công trình.

Trong bước này tác giả cần chú ý đến nội dung và văn phong, bởi đây là hai yếu tố ảnh hưởng đến đánh giá của người đọc/người phản biện đối với công trình nghiên cứu.

Viết báo cáo tổng kết đề tài phải tiến hành nhiều lần, càng sớm càng tốt theo như kế hoạch để tác giả có thời gian xin ý kiến từ người hướng dẫn hoặc những người có chuyên môn để chỉnh sửa một cách tốt nhất.
 

Nói chung, không có những quy tắc tuyệt đối trong phương pháp nghiên cứu và trình bày kết quả nghiên cứu khoa học. Các quy tắc này có thể thay đổi tuỳ chuyên ngành, tuỳ cấp độ nghiên cứu cũng như tuỳ người hướng dẫn hoặc chịu trách nhiệm khoa học của đề tài. Mỗi nhà khoa học lại chịu những áp lực hành chính, quy định chuyên môn và thói quen nghiên cứu trong đơn vị và chuyên ngành của mình. Tuy nhiên vẫn có thể áp dụng những bước cơ bản trên giúp một người làm công tác nghiên cứu có thể xây dựng một đề tài nghiên cứu đạt hiệu quả.