Thông báo
- Đánh giá kết quả điều trị và chăm sóc người bệnh sỏi thận sau tán sỏi nội soi qua da tại bệnh viện xanh pôn năm 2021

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐIỀU TRỊ VÀ CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH SỎI THẬN SAU TÁN SỎI NỘI SOI QUA DA TẠI BỆNH VIỆN XANH PÔN NĂM 2021

Nguyễn Minh An, Trần Hoài Thu, Nguyễn Như Ước, Lê Phương Thảo, Dương Thị Thu Trang

Mục tiêu: 

1. Đánh giá kết quả điều trị sỏi thận bằng tán sỏi nội soi qua da tại bệnh viện đa khoa xanh pôn

2. Đánh giá kết quả chăm sóc sau tán sỏi nội soi qua da điều trị sỏi thận tại bệnh viện đa khoa Xanh Pôn

Phương pháp: Nghiên cứu mô tả, cắt ngang 89 bệnh nhân sỏi thận được điều trị tại bệnh viện đa khoa Xanh pôn

Kết quả: Tuổi trung bình: 53,42 ± 11,1 tuổi; Tỷ lệ biến chứng sau phẫu thuật là 14/89 bệnh nhân; Tỷ lệ sạch sỏi sau 3 ngày là: 89,9%, sau 1 tháng là 94,4%; Kết quả chung sau phẫu thuật: Tốt 89,9%, trung bình 7,9%, xấu 2,2%; Công tác tiếp đón người bệnh: 95,5 % đạt yêu cầu; Công tác chăm sóc tâm lý, tinh thần cho người bệnh: 71,9 % đạt yêu cầu; Công tác theo dõi, đánh giá người bệnh: 92,1% đạt yêu cầu; Hỗ trợ điều trị và phối hợp y lệnh bác sỹ: 92,1% đạt yêu cầu; Công tác tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người bệnh: 94,4% đạt yêu cầu; Công tác chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh: 86,5% đạt yêu cầu; Công tác chăm chăm sóc hỗ trợ vệ sinh cá nhân: 94,4% đạt yêu cầu; Công tác chăm sóc phục hồi chức năng 92,1% đạt yêu cầu; Thực hành tiêm an toàn: 93,3% đạt yêu cầu; Thực hành thay băng, rửa vết thương: 86,7% đạt yêu cầu; Thực hành rút sonde dẫn lưu: 90% đạt yêu cầu

Kết luận: Điều trị sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi nội soi qua da tại bệnh viện Xanh pôn là phương pháp an toàn, hiệu quả với tỷ lệ sạch sỏi cao. Kết quả chăm sóc người bệnh đạt kết quả cao.

EVALUATE RESULT AND NURSING CARE OF RENAL STONE REMOVAL SURGICAL AT SAINT PUAL HOSPITAL IN 2021

Objective: To evaluate the result and nursing care of renal stone removal surgical at Saint Paul in 2021.

Methods: Descriptive cross – sectional study of 89 patients with renal stone

stone undergone surgical at Saint Paul General Hospital

Results: Mean age: 53.42 ± 11.1 years old; The were 14/89 patients had complications after surgery; The rate of stone removal after 3 days was: 89.9%, after 1 month was 94.4%; Overall result after surgery: Good 89.9%, average 7.9%, bad 2.2%; Patient reception: 95.5% met the requirements; Psychological and spiritual care for patients: 71.9% met the requirements; Patient monitoring and evaluation: 92.1% met the requirements; Support for treatment and coordination of doctors' orders: 92.1% met the requirements; Health counseling and education for patients: 94.4% met the requirements; Nutritional care for patients: 86.5% met the requirements; Care and support for personal hygiene: 94.4% met the requirements; Rehabilitation care 92.1% met the requirements; Safe injection practice: 93.3% met the requirements; Practice dressing change, wound washing: 86.7% met the requirements; Practice of draining catheter: 90% met the requirements.

Conclusion: Treatment of renal stones by percutaneous endoscopic lithotripsy at Saint Paul hospital is a safe and effective method with a high stone clearance rate. Nursing care outcomes are high.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Sỏi tiết niệu là bệnh lý thường gặp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Sỏi tiết niệu chiếm 45 – 50% bệnh lý hệ tiết niệu, trong đó sỏi thận chiếm khoảng 70 – 75%, tuổi thường gặp là 30 – 60 tuổi, tỷ lệ gặp ở nam nhiều hơn nữ [1].

Kết quả điều trị sỏi thận phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hình thái sỏi, kích thước của sỏi, phương pháp phẫu thuật, trình độ và kinh nghiệm của phẫu thuật viện…Tuy nhiên sau phẫu thuật thành công bệnh nhân có thể gặp phải những biến chứng sau phẫu thuật như chảy máu, nhiễm khuẩn vết phẫu thuật, nhiễm khuẩn tiết niệu… Vì vậy để đánh giá quá trình điều trị và chăm sóc bệnh nhân trong thời gian nằm viện thì vai trò của điều dưỡng chăm sóc cũng hết sức quan trọng trong thực hành chăm sóc người bệnh nói chung cũng như trong chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật sỏi thận nói riêng. Hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam, đã có rất nhiều nghiên cứu đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị sỏi thận. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào đánh giá phối hợp cùng với các hoạt động chăm sóc của điều dưỡng. Xuất phát từ những vấn đề trên, để ứng dụng những tiến bộ của thế giới và có những luận cứ khoa học về phương pháp điều trị và chăm sóc bệnh nhân sỏi thận này chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: Đánh giá kết điều trị và chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật sỏi thận tại bệnh viện đa khoa Xanh Pôn năm 2021”

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

- Bao gồm các bệnh nhân được chẩn đoán xác định là sỏi thận và được điều trị bằng phẫu thuật tại bệnh viện Xanh pôn trong khoảng từ tháng 1/2021 đến 6/2021.

- Điều dưỡng viên có thực hiện quy trình chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật điều trị sỏi thận tại Khoa tiết niệu bệnh viện Xanh Pôn – Hà Nội

2.2. Tiêu chuẩn chọn mẫu

2.2.1. Tiểu chuẩn lựa chọn bệnh nhân

- Bệnh nhân được chẩn đoán là sỏi thận,

- Bệnh nhân được điều trị phẫu thuật lấy sỏi bằng các phương pháp (phẫu thuật mở, tán sỏi nội soi qua da)

- Hồ sơ bệnh án đầy đủ thông tin, hợp lệ

2.2.2. Điều dưỡng viên

+ Trực tiếp thực hiện quy trình chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật điều trị sỏi thận tại khoa ngoại tiết niệu bệnh viện đa khoa Xanh Pôn

+ Là nhân viên chính thức của khoa

2.3.Tiêu chuẩn loại trừ

2.3.1. Bệnh nhân sỏi thận

- Bệnh nhân không có khả năng trả lời những câu hỏi

- Bệnh nhân bị đái tháo đường chưa điều trị ổn định

- Bệnh nhân có rối loạn đông máu

- Bệnh nhân có thai

- Bệnh nhân có dị tật hệ tiết niệu: thận lạc chỗ, thận móng ngựa.

- Hồ sơ bệnh án thiếu thông tin

2.3.2. Điều dưỡng

- Đang nghỉ chế độ

- Đang đi học tập trung

2.4.  Thời gian và địa điểm nghiên cứu

2.4.1. Thời gian nghiên cứu

- Từ 1/2021  đến 30/6/2021

        - Thời gian thu thập số liệu: Từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 30 tháng 6 năm 2021.

2.4.2. Địa điểm nghiên cứu

 Khoa Ngoại tiết niệu – bệnh viện đa khoa Xanh Pôn

2.5. Thiết kế nghiên cứu

Nghiên cứu được thiết kế theo phương pháp mô tả cắt ngang.

2.6. Cỡ mẫu

- Điều dưỡng: chọn toàn bộ điều dưỡng đang làm việc tại khoa ngoại Tiết niệu bệnh viện đa khoa xanh pôn

- Người bệnh: Cỡ mẫu nghiên cứu được xác định theo phương pháp thuận tiện là tất cả các bệnh nhân đảm bảo đủ các tiêu chuẩn trong thời gian nghiên cứu.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2021 có 89 bệnh nhân sỏi thận được điều trị tại bệnh viện Xanh pôn

3.1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

- Tuổi trung bình của bệnh nhân là 53,42 ± 11,1 tuổi

- Tỷ lệ Nam/Nữ là 1,54/1.

- Kích thước trung bình của sỏi trên chẩn đoán hình ảnh là 24,9 ± 9,6mm

3.2. Kết quả điều trị và chăm sóc người bệnh sỏi thận

- Thời gian nằm viện sau mổ trung bình trong nghiên cứu là 6,63 ± 4,2 ngày

- Số ngày nằm viện tổng thể là 12,9 ± 6,39 ngày, ngắn nhất là 7 ngày và dài nhất là 28 ngày.

Biểu đồ 1. Tỷ lệ sạch sỏi sau mổ

Bảng 1. Kết quả chung sau phẫu thuật

Kết quả

Số lượng

Tỷ lệ (%)

Tốt

80

89,9

Trung bình

7

7,9

Xấu

2

2,2

Tổng

89

100

Biểu đồ 2. Thực trạng công tác chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật

Biều đồ 3. Thực trạng chăm sóc người bệnh sau phẫu qua đánh giá thực hành tiêm an toàn của điều dưỡng.

BÀN LUẬN

4.1. Kết quả sớm sau điều trị sỏi thận

4.1.1. Tai biến trong tán sỏi và biến chứng sớm sau tán sỏi

Trong nghiên cứu này của chúng tôi, tổng tỷ lệ biến chứng là 14/89 bệnh nhân, trong đó có 3 bệnh nhân (chiếm 3,4%) sau mổ xuất hiện sốt, có 10 bệnh nhân (chiếm 11,2%) có chảy máu, trong đó có 3 bệnh nhân chảy máu trong mổ phải truyền máu, 7 bệnh nhân chảy máu thứ phát sau mổ, biểu hiện bằng nước tiểu qua sonde niệu đạo có màu đỏ, tuy nhiên trường hợp này không cần phải can thiệp gì, bệnh nhân được hướng dẫn nằm nghỉ tai giường và nước tiểu trong trở lại sau 2 ngày điều trị.

Theo Nguyễn Đình Bắc [2], Có 4/35 bệnh nhân chiếm 11,5% xảy ra biến chứng trong và sau mổ, trong đó tỷ lệ biến chứng độ I, II và III lần lượt là 5.7%, 2.9% và 2.9%. Không có bệnh nhân nào có biến chứng độ IV và V.

4.1.2. Tỷ lệ sạch sỏi sau tán sỏi qua da

Trong nghiên cứu này của chúng tôi, kết quả sau chụp x quang sau tán sỏi 3 ngày có 80/89 bệnh nhân đạt được sạch sỏi hoàn toàn (chiếm 89,9%) và 9/89 bệnh nhân bệnh nhân còn các mảnh sỏi nhỏ (chiếm 10,1%). Tỷ lệ sạch sỏi sau 1 tháng là 84/89 bệnh nhân (chiếm 94,4%)

Nguyễn Đình Xướng [3], trong nghiên cứu tỷ lệ sạch sỏi giữa nhóm bệnh nhân tán sỏi qua da lần đầu với nhóm đã có tiền sử mổ sỏi thận cùng bên. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sạch sỏi trung giữa hai nhóm là 72,9%. Trong đó nhóm mổ lần đầu tỷ lệ sạch sỏi là 76,7%, nhóm có tiền sử mổ lấy sỏi là 66,7%, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p = 0.17. Tỷ lệ sạch sỏi trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đình Bắc là 67,0% [2].

4.1.3. Kết quả chung sau phẫu thuật

Kết quả chung sau phẫu thuật chúng tôi áp dụng theo tiêu chuẩn từ nghiên cứu của Hoàng Long năm 2017, được chia 3 mức Tốt, Trung bình và Xấu. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 80/89 bệnh nhân có kết quả tốt sau phẫu thuật (chiếm 89,9%), có 7/89 bệnh nhân kết quả trung bình (chiếm 7,9%) và có 2 bệnh nhân đạt kết quả xấu (chiếm 2,2%)

Theo Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng [4], Kết quả điều trị sỏi sau mổ 1–3 tháng có 165 bệnh nhân tái khám sau mổ. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Tốt (sạch sỏi hoặc còn một mảnh sỏi < 5mm) có 100 bệnh nhân (chiếm 60,6%) Khá (còn 2-3 mảnh sỏi < 5mm ) có 20 bệnh nhân (chiếm 12,1%) Trung bình (còn mảnh sỏi ≥ 5mm hoặc trên 3 mảnh sỏi < 5 mm) có 45 bệnh nhân (chiếm 27,3%).

4.2. Thực trạng hoạt động chăm sóc sau phẫu thuật qua đánh giá từ người bệnh.

4.2.1. Công tác tiếp đón người bệnh vào khoa điều trị

Qua kết quả nghiên cứu cho thấy có 98,9% người bệnh đánh giá điều dưỡng thực hiện tốt việc đón tiếp với thái độ niềm nở, cảm thông và 95,5 % NB đánh giá điều dưỡng đã hướng dẫn đầy đủ các thủ tục hành chính và trang bị đầy đủ quần áo, chăn ga, gối khi NB vào khoa. Tỷ lệ đạt yêu cầu chung cho công tác đón tiếp NB thông qua đánh giá của NB đạt 95,5%. Tỷ lệ này cao hơn nghiên cứu của Bùi Thị Bích Ngà (2011) tại bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cũng chỉ đạt 78,9% [5].

4.2.2.  Công tác chăm sóc, hỗ trợ về tâm lý tinh thần cho người bệnh

Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, người bệnh đánh giá điều dưỡng thực hiện tốt việc quan tâm, chia sẻ, hỏi thăm sức khỏe và động viên người bệnh yên tâm điều trị, đồng thời có thái độ và hành vi luôn tôn trọng và cảm thông với người bệnh với tỷ lệ chưa cao (71,9% đến 88,8%). Bên cạnh đó vẫn còn 28,1 % người bệnh cho rằng điều dưỡng đã thực hiện chưa tốt việc giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của họ trong quá trình điều trị và chăm sóc. Tỷ lệ đánh giá chung công tác chăm sóc hỗ trợ về tâm lý tinh thần cho người bệnh đạt yêu cầu là 71,9 %. Tỷ lệ này thấp hơn so với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thùy Châu (2014) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa với 83,2% người bệnh đánh giá người bệnh có sự quan tâm chăm sóc về tâm lý, tinh thần cho NB [8] thấp hơn tỷ lệ đạt yêu cầu so với nghiên cứu của Dương Thị Bình Minh (2012) với 94,9%.

4.2.3. Công tác theo dõi, đánh giá người bệnh

Theo kết quả nghiên cứu của chúng cho thấy tất cả các nội dung trong công tác theo dõi và đánh giá người bệnh đều đạt kết quả cao, với 92,1% người bệnh đánh giá điều dưỡng đã quan tâm hỏi thăm sức khỏe và theo dõi diễn biến bệnh tật của họ hàng ngày, có tới 95,5 % người bệnh cho rằng điều dưỡng đã khẩn trương đến ngay và xử trí kịp thời khi người bệnh có dấu hiệu bất thường. Tỷ lệ người bệnh đánh giá chung về công tác theo dõi, đánh giá người bệnh của điều dưỡng đạt yêu cầu cao chiếm tỷ lệ là 91,2%. Tỷ lệ này cao hơn trong nghiên cứu của Dương Thị Bình Minh (2012) tại BV Hữu Nghị với 90% người bệnh đánh giá điều dưỡng đã thực hiện tốt việc theo dõi, đánh giá NB [8]

4.2.4. Công tác hỗ trợ điều trị và phối hợp, thực hiện y lệnh của bác sĩ

Kết quả nghiên cứu cho thấy 5,6% NB cho rằng điều dưỡng hướng dẫn chưa đầy đủ hoặc không hướng dẫn cho họ các phương pháp luyện tập nâng cao sức khỏe tại gia đình sau khi ra viện và chỉ có 94,4% người bệnh đánh giá điều dưỡng thực hiện tốt việc tư vấn, GDSK. Tỷ lệ này cao hơn kết quả nghiên cứu của Dương Thị Bình Minh (2012) tại Bệnh viện Hữu Nghị với 66,2% người bệnh cho rằng điều dưỡng đã làm tốt việc tư vấn, GDSK cho họ [7]. Tỷ lệ đạt yêu cầu trong nghiên cứu của Nguyễn Thùy Châu (2014) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa là 81,3% [8].

4.2.5. Công tác chăm sóc, hỗ trợ người bệnh vệ sinh hàng ngày

Kết quả nghiên cứu cho thất có 96,6% người bệnh đánh giá điều dưỡng thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ người bệnh vệ sinh cá nhân khi họ gặp khó khăn, và 3,4% cho rằng được điều dưỡng giúp đỡ nhưng không thường xuyên. Kết quả này thấp hơn so với kết quả trong nghiên cứu của Chu Thị Hải Yến (2013) tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nông Nghiệp với 97,7% NB nhận xét đã nhận được sự hỗ trợ tốt của các điều dưỡng khi họ gặp khó khăn trong việc vệ sinh cá nhân hàng ngày và 81,3% người bệnh đánh giá điều dưỡng trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ người bệnh nặng không tự vệ sinh cá nhân được [7].

4.3. Thực trạng chăm sóc sau phẫu thuật của điều dưỡng qua đánh giá thực hành điều dưỡng.

4.3.1. Thực hành quy trình tiêm an toàn của điều dưỡng

Thực hành kỹ thuật tiêm: Kết quả nghiên cứu cho thấy điều dưỡng tiêm thuốc đúng chỉ định đạt 100%, tiêm thuốc đúng thời gian đạt 90%, tiêm đúng vị trí đạt 89%, tiêm đúng độ sâu đạt 85%, bơm thuốc đảm bảo hai nhanh một chậm đạt 87%, rút pittông kiểm tra trước khi bơm thuốc đạt 89%. Kết quả so với nghiên cứu của Đinh Thị Thu Huyền cho thấy sinh viên tiêm thuốc đúng chỉ định đạt 100%, tiêm đúng độ sâu đạt 85%, bơm thuốc đảm bảo, rút pittông kiểm tra trước khi bơm thuốc đạt 90%.

4.3.2. Thực trạng về thực hành thay băng rửa vết thương của điều dưỡng

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỉ lệ điều dưỡng thực hiện đạt quy trình thay băng, rửa vết thương 86,7%, cao hơn tác giả Hoàng Thị Phương có 86,4% đánh giá vết mổ đạt.

4.3.3. Thực trạng thực hành thay băng rút dẫn lưu của điều dưỡng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy điều dưỡng chăm sóc ống dẫn lưu đạt tỉ lệ cao là 90%, chỉ có 10% là không đạt, không có trường hợp có dấu hiệu tắc ống dẫn lưu. Theo nghiên cứu của Phùng Văn Quý (2017), 100% điều dưỡng thực hiện đúng y lệnh và cố định túi nước tiểu đảm bảo kín, một chiều. 92,9% điều dưỡng có nhận định người bệnh và ống dẫn lưu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1

Bộ Y Tế (2011). Hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện, 1-17.

2

Nguyễn Đình Bắc (2018), Đánh giá kết quả phẫu thuật tán sỏi thận qua da đường hầm nhỏ ở bệnh nhân có tiền sử mổ sỏi thận cùng bên. Luận văn thạc sỹ Y học. Đại học Y Hà Nội.

3

Nguyễn Đình Xướng, Vũ Lê Chuyên, Nguyễn Tuấn Vinh (2008), “So sánh hiệu quả và các biến chứng giữa bệnh nhân mổ lần dầu và bệnh nhân có tiền căn mổ hở lấy sỏi thận trong phương pháp lấy sỏi thận qua da tại Bệnh viện Bình Dân”, Y học TP. Hồ Chí Minh,phụ bản số 1, trang 1-12.    

3

Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Nguyễn Đình Nguyên Đức (2014), “Tán sỏi qua da trong sỏi thận tái phát”, Y học TP. Hồ Chí Minh, phụ bản số 4, 111-118.

4

Nguyễn Thị Bích Nga (2015). Thực trạng một số hoạt động chăm sóc người bệnh của điều dưỡng lâm sàng bệnh viện Phổi Trung ương, năm 2015, Luận văn thạc sỹ quản lý bệnh viện, Trường Đại Học y tế Công Cộng, Hà Nội.

6

Dương Thị Bình Minh và cộng sự (2012). Thực trạng công tác chăm sóc điều dưỡng NB tại các khoa lâm sàng BV Hữu Nghị, năm 2012.Tạp chí y học thực hành, 7, tr. 125 – 129.

7

Chu Thị Hải Yến (2013). Thực trạng công tác chăm sóc toàn diện người bệnh của điều dưỡng viên khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện nông nghiệp năm 2013, Luận văn thạc sỹ quản lý bệnh viện, Trường đại học y tế công cộng.

8

Nguyễn Thùy Châu (2014). Thực trạng công tác chăm sóc điều dưỡng qua đánh giá của người bệnh nội trú và các yếu tố liên quan tại bệnh viên đa khoa tỉnh Khánh Hòa năm 2014, Luận văn thạc sỹ quản lý bệnh viện, Trường Đại học y tế Công Cộng, Hà Nội.