2021 - 2022
- Nghiên cứu tác dụng chống viêm cấp của cao lỏng ráy dại

NGHIÊN CỨU TÁC DỤNG CHỐNG VIÊM CẤP CỦA CAO LỎNG RÁY DẠI (Alocasia odora K. Koch) TRÊN THỰC NGHIỆM

Nguyễn Thị Quyên1, Lê Thị Hải Yến1; Tạ Văn Bình2 ; Trịnh Kiều Anh2;
Nguyễn Thị Thu Hà3; Nguyễn Phan Hải Anh4
1: Trường cao đẳng Y tế Hà Nội ; 2: Trường đại học Y Hà Nội
3:Viện Hóa học-Viện Hàn lâm KHCNVN; 4: Đại học Trung Y Dược Thiên Tân Trung Quốc


Tóm tắt:
Kết quả nghiên cứu tác dụng chống viêm cấp của cao lỏng (1:1) củ ráy (Alocasia odora K. Koch) cho thấy: 
- Ở liều 2,4g/kg có xu hướng thể hiện tác dụng giảm phù chân chuột do carrageenin cũng như thể hiện tác dụng chống viêm rõ rệt trên mô hình gây viêm màng bụng thông qua: xu hướng giảm thể tích dịch rỉ viêm, giảm rõ số lượng bạch cầu và hàm lượng protein trong dịch rỉ viêm.
- Ở liều 7,2g/kg chưa thể hiện rõ tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây phù chân chuột và gây viêm màng bụng.
Từ khóa: Alocasia odora, chống viêm

Summary 

Study on the anti-inflammatory activity of liquid extract of Alocasia odora K. Koch roots in vitro

Research results on the acute anti-inflammatory effects of the liquid extract (1:1) of Alocasia odora K. Koch showed that: 
- At a dose of 2.4g/kg, there was a tendency to reduce rat’s paw edema through carrageenin as well as to show a significant anti-inflammatory effect on the peritonitis model and to decrease inflammatory exudate volume and the amount of white blood cell and protein in inflammatory exudate. 
- At a dose of 7.2g/kg, the anti-inflammatory effect was not clear in the rat’s paw edema and peritonitis.

Keywords: Alocasia odora, anti-inflammatory
1. Đặt vấn đề
    Cây ráy dại hay còn gọi là dã vu (Alocasia odora K. Koch) là một loại cây mềm có thân hình trụ, phần dưới bò, trên đứng, dưới đất có thân rễ hình cầu sau phát triển dần thành củ dài, có nhiều đốt ngắn, trên đốt có vảy màu nâu. Phần củ ráy này thường được được sử dụng từ lâu trong dân gian như: dùng ngoài da trị mụn nhọt, ghẻ, sưng bàn tay bàn chân; dùng uống để chữa sốt rét, thũng độc, ngứa lở, đau nhức xương khớp, gút, giải độc, bí tiểu [2], [3].
Tuy nhiên cho đến nay các tài liệu đánh giá tác dụng của Ráy dại (Alocasia odora K. Koch) trên thực nghiệm cũng như trên lâm sàng còn hạn chế. Do đó chúng tôi lựa chọn củ Ráy dại làm đối tượng nghiên cứu với mục tiêu: Đánh giá tác dụng chống viêm cấp của cao lỏng củ ráy trên mô hình gây phù chân chuột và mô hình gây viêm màng bụng trên chuột cống.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
2.1 Đối tượng nghiên cứu
Cao lỏng 1:1 từ củ ráy dại (Alocasia odora K. Koch)
Cây ráy dại lấy tại Na Hang – Tuyên Quang đã được định danh. Đào và lấy củ ráy dại ở cây từ 2-3 năm trở lên, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ con, cạo sạch vỏ ngoài, thái mỏng, phơi khô, xay thành bột thô. Cân 500g bột thô dược liệu, cho vào bình thủy tinh đổ ngập dung dịch ethanol 500 và lắc liên tục trong khoảng 2 giờ, lọc lấy dịch chiết lần 1. Phần bã dược liệu lại tiếp tục cho ethanol và lắc, lọc lấy dịch chiết (lặp lại 2 lần). Gộp dịch chiết lại, cô ở nhiệt độ 500C bằng máy cất quay chân không, đến khi thu được 500ml cao lỏng 1:1.
2.2. Địa điểm nghiên cứu
Bộ môn Hóa – trường Cao đẳng Y tế Hà Nội và bộ môn Dược lý – trường đại học Y Hà Nội.
2.3. Hóa chất, máy móc và động vật thí nghiệm
Thuốc nghiên cứu
-    Diclofenac sodium 50 mg
-    Các hóa chất carageenin, formaldehyd, natriclorid 0,9% đủ tiêu chuẩn phòng thí nghiệm – Trường Đại học Y Hà Nội.
Máy móc trang thiết bị
-    Máy đo viêm Plethysmometer No 7250 của hãng Ugo - Basile (Italy).
-    Máy xét nghiệm sinh hóa Erba Chem 5 V3 (Ấn Độ).
-    Máy huyết học Vet abcTM Animal Blood Counter, Pháp.
-     Cân phân tích LX220A Thụy Sĩ.
-    Cân điện tử của Nhật, độ chính xác 0,001 gam.
Động vật thí nghiệm
Chuột cống trắng chủng Wistar, thuần chủng, cả 2 giống, khoẻ mạnh, trọng lượng 180 – 220g do Trung tâm cung cấp động vật thí nghiệm Đan Phượng – Hà Nội cung cấp. Chuột được nuôi trong điều kiện đầy đủ thức ăn và nước uống tại phòng thí nghiệm Bộ môn Dược lý, Trường đại học Y Hà Nội từ 7 -10  ngày trước khi nghiên cứu và trong suốt thời gian nghiên cứu.
2.4. Phương pháp nghiên cứu
2.4.1.Nghiên cứu tác dụng chống viêm cấp bằng carragenin trên mô hình gây phù chân chuột[5],[6],[7]
Chuột cống trắng được chia ngẫu nhiên thành 4 lô, mỗi lô 10 con.
Lô 1: (Đối chứng): uống nước cất 1ml/100g thể trọng/ngày
Lô 2: Uống diclofenac liều 10mg/kg thể trọng/ngày
Lô 3: Uống cao lỏng củ ráy liều thấp 2,4g dược liệu/kg/ngày (liều tương đương lâm sàng, hệ số ngoại suy 6).
Lô 4: Uống cao lỏng củ ráy liều cao 7,2 g dược liệu/kg/ngày (liều gấp 3 liều lâm sàng). Chuột uống thuốc 5 ngày liên tục trước khi gây viêm. Ngày thứ 5, sau khi uống thuốc thử 1 giờ, gây viêm bằng cách tiêm carrageenin 1% (pha trong nước muối sinh lý) với thể tích 0,05 ml/chuột vào gan bàn chân sau, bên phải của chuột. Đo thể tích chân chuột (đến khớp cổ chân) vào các thời điểm: trước khi gây viêm (V0); sau khi gây viêm 2 giờ (V2), 4 giờ (V4), 6 giờ (V6) và 24 giờ (V24). Độ tăng thể tích chân của từng chuột được tính theo công thức Fontaine:
 
Trong đó: V0 là thể tích chân chuột trước khi gây viêm; Vt là thể tích chân chuột sau khi gây viêm.
+ Tác dụng chống viêm của thuốc được đánh giá bằng khả năng ức chế phản ứng phù (I%)
I% = 
Trong đó:  : trung bình độ tăng thể tích chân chuột ở lô đối chứng
                : trung bình độ tăng thể tích chân chuột ở lô uống thuốc
2.4.2.Nghiên cứu tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây viêm màng bụng trên chuột cống trắng [5],[6],[7]
Chuột cống trắng cũng được chia ngẫu nhiên. Các lô chuột được cho uống nước, uống thuốc chuẩn hoặc thử tương tự như trong thí nghiệm ở mô hình trên. Ngày thứ 5, sau khi uống thuốc 1 giờ, gây viêm màng bụng bằng dung dịch carragenin 0,05g pha với formaldehyd 1,4 ml trong nước muối sinh lý 0,9% vừa đủ 100ml. Tiêm vào khoang màng bụng với thể tích 2ml/chuột. Sau 24 giờ gây viêm, mổ ổ bụng chuột hút dịch rỉ viêm. Đo thể tích và đếm số lượng bạch cầu/ml dịch rỉ viêm, định lượng protein trong dịch rỉ viêm ở mỗi lô và so sánh giữa các lô với các chỉ số:
-    Phần trăm giảm phù viêm
-    Thể tích dịch rỉ viêm
-    Hàm lượng protein trong dịch rỉ viêm
-    Số lượng bạch cầu trong dịch rỉ viêm
-    Trọng lượng u hạt
2.5. Phương pháp xử lý số liệu
Số liệu được biểu diễn dưới dạng:  ± SD.Kiểm định các giá trị bằng test t – Student, test t ghép cặp, test ANOVA 2 chiều.
3.Kết quả và bàn luận
3.1. Trên mô hình gây phù chân chuột bằng carrageenin

Bảng 3.1: Ảnh hưởng của cao lỏng Củ ráy lên độ tăng thể tích chân chuột
trên mô hình gây phù chân chuột bằng carrageenin

Độ tăng thể tích chân chuột (%)

Sau 2h

Sau 4h

Sau 6h

Sau 24h

Lô 1: Mô hình

27,89 ± 7,64

37,70 ± 11,34

36,69 ± 12,70

11,51 ± 3,35

 Lô 2: Diclofenac 10 mg/kg

7,49 ± 2,17

***

11,53 ± 3,19

***

19,91 ± 6,67

**

8,28 ± 1,71

*

 Lô 3: củ Ráy liều 2,4 g/kg

25,58 ± 8,02

35,61 ± 9,56

33,96 ± 10,50

12,39 ± 4,23

 Lô 4: củ Ráy liều 7,2 g/kg

26,71 ± 8,90

38,14 ±10,84

38,18 ± 13,31

13,21 ± 3,99

 

Bảng 3.2: Khả năng ức chế phản ứng phù của cao lỏng Củ ráy
trên mô hình gây phù chân chuột bằng carrageenin

Mức độ ức chế phản ứng phù (%)

Sau 2h

Sau 4h

Sau 6h

Sau 24h

Lô 1: Mô hình

-

-

-

-

Lô 2: Diclofenac 10 mg/kg

73,16

69,42

45,73

28,10

 Lô 3: củ Ráy liều 2,4 g/kg

8,28

5,55

7,43

-7,63

 Lô 4: củ Ráy liều 7,2 g/kg

4,24

-1,17

-4,08

-14,75

Trên mô hình gây phù chân chuột cống trắng, sau khi tiêm carrageenin vào gan bàn chân sau của chuột sẽ xuất hiện rất nhanh hiện tượng tăng tính thấm thành mạch, hình thành dịch vỉ viêm và bạch cầu thoát mạch, chủ yếu là bạch cầu trung tính, vào mô viêm [4]. Trong suốt quá trình viêm do carrageenin gây ra, có sự giải phóng lần lượt các chất trung gian hóa học của quá trình viêm, như histamin, 5-hydroxytriptamin, bradykinin và cuối cùng là các prostaglandin. Các bạch cầu trung tính di chuyển vào mô viêm sẽ giải phóng vào khoảng gian bào các gốc tự do oxygen gây độc (như H2O2, OH-…). Các gốc oxygen này sẽ phản ứng với nito oxyd hình thành các gốc tự do phản ứng làm tăng cường và khuếch đại phản ứng viêm. Số liệu ở bảng 3.1 và 3.2 cho thấy:
- Diclofenac liều 10 mg/kg có tác dụng chống viêm rõ rệt, thể hiện ở tác dụng làm giảm rõ độ tăng thể tích chân chuột và có khả năng ức chế phù chân chuột rõ rệt ở tất cả các thời điểm 2 giờ, 4 giờ, 6 giờ và 24 giờ sau khi tiêm carrageenin so với lô mô hình.
- Cao lỏng Củ ráy liều 2,4 g/kg có xu hướng làm giảm độ tăng thể tích chân chuột ở các thời điểm 2 giờ, 4 giờ, 6 giờ sau khi tiêm carrageenin so với lô mô hình, tuy nhiên sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê (p > 0,05). Cũng liều này, cao lỏng củ ráy có xu hướng ức chế phù chân chuột ở các thời điểm sau 2 giờ, 4 giờ, 6 giờ sau khi tiêm carrageenin với mức độ ức chế phù từ 5,5 – 8,5%.
- Với chuột ở lô uống cao lỏng củ ráy liều 7,2 g/kg thì độ tăng thể tích chân chuột và khả năng ức chế phản ứng phù chân chuột không có sự khác biệt có ý nghĩa so với lô mô hình ở tất cả các thời điểm nghiên cứu (p > 0,05).

3.2.Trên mô hình gây viêm màng bụng bằng carrageenin

Bảng 3.3: Ảnh hưởng của cao lỏng Củ ráy đến thể tích dịch rỉ viêm

Lô nghiên cứu

n

Thể tích dịch rỉ viêm (mL)

Lô 1: Mô hình

10

3,41 ± 0,78

Lô 2: Diclofenac 10 mg/kg

10

2,54 ± 0,90*

Lô 3: Củ ráy liều 2,4 g/kg

10

3,38 ± 0,99

Lô 4: Củ ráy liều 7,2 g/kg

10

3,79 ± 1,17


Chú thích: * p < 0,05 so với lô mô hình (Student’s t-test)        

Bảng 3.4: Ảnh hưởng của cao lỏng Củ ráy đến số lượng bạch cầu
trong dịch rỉ viêm

Lô nghiên cứu

N

Số lượng bạch cầu (G/L)

Lô 1: Mô hình

10

5,13 ± 1,58

Lô 2: Diclofenac 10 mg/kg

10

3,81 ± 1,15*

Lô 3: Củ ráy liều 2,4 g/kg

10

3,47 ± 1,02*

Lô 4: Củ ráy liều 7,2 g/kg

10

4,32 ± 1,82


Chú thích: *p < 0,05 so với lô mô hình (Student’s t-test)    

Bảng 3.5: Ảnh hưởng của cao lỏng Củ ráy đến hàm lượng protein
trong dịch rỉ viêm

Lô nghiên cứu

N

Hàm lượng protein (mg/dL)

Lô 1: Mô hình

10

3,65 ± 0,30

Lô 2: Diclofenac 10 mg/kg

10

3,47 ± 0,24

Lô 3: Củ ráy liều 2,4 g/kg

10

3,09 ± 0,69*

Lô 4: Củ ráy liều 7,2 g/kg

10

3,65 ± 0,48


Chú thích: *p < 0,05 so với lô mô hình (Student’s t-test)
Kết quả ở bảng 3.3; 3.4; 3.5 cho thấy: 
- Việc dùng thuốc diclofenac 10 mg/kg trên chuột đều có tác dụng làm giảm thể tích dịch rỉ viêm, giảm số lượng bạch cầu có ý nghĩa thống kê so với lô mô hình với p < 0,05. Nó cũng có xu hướng làm giảm hàm lượng protein trong dịch vỉ viêm, tuy nhiên, sự khác biệt chưa có ý nghĩa thống kê. 
Trên mô hình gây viêm màng bụng, cao lỏng củ ráy liều 2,4 g/kg có tác dụng chống viêm cấp thể hiện qua kết quả làm giảm thể tích dịch vỉ viêm. Tuy nhiên sự giảm này chưa có ý nghĩa thống kê.
Với 4 lô chuột ở mô hình này, sau khi gây viêm bằng carrageenin và lấy dịch vỉ viêm để đếm số lượng bạch cầu và tính lượng protein thì thấy: Cũng với liều cao lỏng củ ráy 2,4 g/kg có tác dụng chống viêm cấp thể hiện rất rõ thông qua việc làm giảm số lượng bạch cầu và hàm lượng protein trong dịch vỉ viêm. Thậm chí mức giảm còn tốt hơn so với việc dùng diclofenac 10 mg/kg (tương ứng là 3,47±1,02 và 3,09±0,69 của ráy so với 3,81±1,15 và 3,47±0,24 của diclofenac). Còn liều 7,2 g/kg tuy có giảm nhưng kết quả chưa có ý nghĩa thống kê.
    Với mô hình nghiên cứu này, liều cao lỏng củ ráy 2,4 g/kg có xu hướng làm giảm triệu chứng viêm rõ rệt. Liều thử này cũng phù hợp với liều dùng trong dân gian như nghiên cứu của tác giả Võ Văn Chi [1]. Theo một số nghiên cứu cho thấy, tác dụng chống viêm, chống oxy hóa…của cây ráy nhờ trong cây ráy có một số chất có hoạt tính sinh học cao là flavonoid và một số polyphenolic khác [8].
    Như vậy, nghiên cứu của chúng tôi phần nào sáng tỏ được việc sử dụng củ ráy trong dân gian với mục đích chống viêm. Tuy nhiên để hiểu rõ hơn về cơ chế cũng như tác dụng chính xác của từng loại hoạt chất trong cây ráy cần phải tiến hành thêm các nghiên cứu khác.
4. Kết luận và kiến nghị
* Kết luận
Kết quả nghiên cứu tác dụng chống viêm cấp của cao lỏng Củ ráy trên các mô hình thực nghiệm cho kết luận như sau:
-    Trên mô hình gây phù chân chuột cho thấy: Cao lỏng Củ ráy liều 2,4 g/kg có xu hướng thể hiện tác dụng giảm phù chân chuột do carrageenin, liều 7,2 g/kg không có tác dụng chống viêm trên mô hình gây phù chân chuột bằng carrageenin.
- Trên mô hình gây viêm màng bụng chuột cống cho thấy: Cao lỏng Củ ráy liều 2,4 g/kg thể hiện tác dụng chống viêm rõ rệt trên mô hình gây viêm màng bụng thông qua: xu hướng giảm thể tích dịch rỉ viêm, giảm rõ số lượng bạch cầu và hàm lượng protein trong dịch rỉ viêm. Liều 7,2 g/kg chưa thể hiện rõ tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây viêm màng bụng.
* Kiến nghị:
Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy cao lỏng từ củ ráy dại (Alocasia odora K. Koch) có tác dụng chống viêm cấp trên hai mô hình gây phù chân chuột và gây viêm màng bụng. Vì vậy chúng tôi kiến nghị cần tiếp tục có những nghiên cứu sâu hơn về tác dụng dược lý của cao lỏng củ ráy này để góp phần phát triển nền dược liệu nước nhà. 


Tài liệu tham khảo
1.     Võ Văn Chi (1997), Từ điển cây thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, trang 969.
2.     Nguyễn Văn Dư, Bùi Văn Hướng, Nguyễn Thị Vân Anh, Peter.J.Matthews, Masuno Takashi, Trần Thị Hằng Nga (2006), “Cây ráy (Alocasia odora K.Koch), kinh nghiệm sử dụng, chế biến và các đặc điểm phân biệt với các loài khác”, Hội nghị Khoa học toàn quốc về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần thứ 5/2006; trang 993-997.
3.     Đỗ Tất Lợi (2015), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản thời đại, trang 122-123.
4.     Bộ môn miễn dịch – Sinh lý bệnh – Trường đại học Y Hà Nội (2008). Sinh lý bệnh quá trình viêm, Sinh lý bệnh học. Nhà xuất bản Y học, 209-230.
5.     Gerhard Vogel H. (2012). Drug discovery and evaluation Pharmacological assays, Chepter H: analgesic, anti-inflammatory, anti- pyretic activity, 669-774.
6.     Mishra D, Ghosh G, Kumar PS, et al (2011). An experimental study of analgesic activity of selective COX-2 inhibitor with conventional NSAIDs. Asian Journal of Pharmaceutical and Clinical Research, 4(1), 78-81
7.    Mitul Patel (2012), Invivo animal models in preclinical evaluation of anti inflammatory activity- a review, International journal of pharmaceutical research and allied sciences, 1(2), 01-05.
8.    Mulla,W.A., Kuchekar,S.B., Thorat,V.S., Chopade,A.R., &Kuchekar, B.S. (2010)  “Antioxidant, Antinociceptive and Anti-inflammatory Activities of Ethanolic extract of leaves of Alocasia indica (Schott)”. Journal Young Pharmacists, 2(2), p137-143.