Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)

 

2019 - 2020
- Tuân thủ điều trị và một số yếu tố liên quan của người bệnh đái tháo đường tuýp 2

TUÂN THỦ ĐIỀU TRỊ VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TUÝP 2 ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐỐNG ĐA, NĂM 2019

Khúc Thị Hồng Anh, Nguyễn Thanh Thủy, Đoàn Thị Vân, Đinh Thị Nhâm, Lê Thị Thủy, Nguyễn Hoàng Long, Trần Thị Phương Thảo, Nguyễn Hải Phương.

Tóm tắt:. Mục tiêu: (1) Mô tả tuân thủ điều trị của người bệnh đái tháo đường tuýp 2 điều trị ngoại trú tại bệnh viện đa khoa Đống Đa năm 2019. (2) Xác định một số yếu tố liên quan tới tuân thủ điều trị của người bệnh đái tháo đường tuýp 2 điều trị ngoại trú tại bệnh viện đa khoa Đống Đa năm 2019. Phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang. Kết quả: Đối tượng nghiên cứu có tuổi trung bình là 68,1 ± 8,6 tuổi. Tỷ lệ tuân thủ điều trị kém chiếm 69.7%, chỉ 1.3% số bệnh nhân tuân thủ rất tốt việc điều trị đái tháo đường. Tuổi, nghề nghiệp, bệnh kèm theo và các yếu tố tự chăm sóc được tìm thấy có mối liên quan với tuân thủ điều trị Đái tháo đường. Mô hình hồi quy đa biến cho thấy khả năng không tuân thủ điều trị ở người nghỉ hưu cao hơn so với người đang đi làm (OR=2.2, 95%CI:1.1-4.5). Ngược lại, nguy cơ này thấp hơn ở người có nồng độ Triglycerid trong máu cao hơn (OR=0.9, 95%CI=0.1-1.0), có chế độ ăn chung và chế độ ăn cụ thể lành mạnh hơn (OR=0.6, 95%CI:0.5-0.8 và OR=0.6;95%CI: 0.4 – 0.9) so với những nhóm còn lại. Kết luận: Tỷ lệ không tuân thủ điều trị còn cao trong nghiên cứu. Để cải thiện việc tuân thủ điểu trị ở người bệnh ĐTĐ type 2, cần thực hiện các can thiệp hỗ trợ trên những nhóm nguy cơ cao không tuân thủ như người già, người nghỉ hưu, người có nhiều bệnh kèm theo. Đồng thời, cần thực hiện các can thiệp nâng cao nhận thức về tự chăm sóc cho người bệnh ĐTĐ type 2.

ADHERENCE AND ASSOCIATED FACTORS OF OUTPATIENT WITH TYPE 2 DIABETES AT DONG DA GENERAL HOSPITAL IN 2019

Khuc Thi Hong Anh, Nguyen Thanh Thuy, Doan Thi Van, Dinh Thi Nham, Le Thi Thuy, Nguyen Hoang Long, Tran Thi Phuong Thao, Nguyen Hai Phuong

Abstract:

 Objectives: (1) Describe the treatment adherence of type 2 diabetes patients at Dong Da General Hospital in 2019; (2) Identify some factors related to treatment adherence among patients with type 2 diabetes at Dong Da General Hospital in 2019. Method: A cross-sectional descriptive research was conducted on 379 outpatient with type 2 diabetes. Results: The study subjects had an average age of 68.1 ± 8.6 years. The poor adherence rate accounted for 69.7%, only 1.3% of the patients complied well with diabetes treatment. Age, occupation, comorbidities, and self-care factors were found to be associated with adherence to diabetes treatment. The multivariate regression model showed a higher likelihood of noncompliance in retirees than working adults (OR = 2.2, 95% CI: 1.1-4.5). Conversely, this risk is lower in people with higher triglyceride levels (OR = 0.9, 95% CI = 0.1-1.0), with healthier general diet and specific diet (OR = 0.6 , 95% CI: 0.5-0.8 and OR = 0.6; 95% CI: 0.4 - 0.9) compared to the remaining groups. Conclusions: Treatment noncompliance is high in the study. In order to improve treatment adherence in people with type 2 diabetes, supportive interventions should be implemented on high-risk noncompliance groups such as the elderly, retirees, and people with many comorbid conditions. At the same time, it is necessary to implement awareness-raising interventions for self-care patients with type 2 diabetes.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch dịch tễ học với gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh ĐTĐ đang có xu hướng ngày càng tăng lên [1]. Điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung Ương cho thấy sau 10 năm (2002 – 2012) tỷ lệ mắc ĐTĐ trên toàn quốc đã tăng thêm 200% từ 2,7% lên 5,42% [2]. Tại Việt Nam, phòng chống bệnh ĐTĐ đã trở thành một trong các Chương trình mục tiêu Quốc gia về Y tế. Người bệnh thường đăng ký quản lý bệnh tại một cơ sở y tế phù hợp và được điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, việc tuân thủ điều trị vẫn còn nhiều bất cập. Các nghiên cứu về đánh giá tuân thủ điều trị của bệnh nhân đái tháo đường type 2 ở Việt Nam nói chung và ở bệnh viện Đa khoa Đống Đa nói riêng hiện nay vẫn còn hạn chế. Do đó, chúng tôi thực hiện đề tài: Tuân thủ điều trị và một số yếu tố liên quan của người bệnh Đái tháo đường tuýp 2 điều trị ngoại trú tại bệnh viện đa khoa Đống Đa, năm 2019” với mục tiêu: Mô tả tuân thủ điều trị và xác định một số yếu tố liên quan tới tuân thủ điều trị của người bệnh đái tháo đường tuýp 2 điều trị ngoại trú tại bệnh viện đa khoa Đống Đa năm 2019.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1 Đối tượng nghiên cứu

Các bệnh nhân được chẩn đoán ĐTĐ tuýp 2 theo tiêu chuẩn chẩn đoán của Bộ Y tế (tương đương các tiêu chuẩn của hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) 2012) được quản lý tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.

2.2 Phương pháp nghiên cứu:  Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang

2.3 Cỡ mẫu và kỹ thuật chọn mẫu

+ Cỡ mẫu: Tính theo công thức ước lượng một tỷ lệ với độ chính xác tuyệt đối.

Trong đó:

          - p: tỷ lệ người bệnh tuân thủ điều trị, lấy p = 0,919 trong nghiên cứu của Đỗ Hồng Thanh và cộng sự tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội [53]

          - d: Sai số chấp nhận được với d = 0,03

          - Với độ tin cậy 95% ta có Z21 - a/2 = 1,96

Thay số vào công thức tính cỡ mẫu và điều chỉnh chúng tôi được nf= 379 người bệnh. Tổng cộng có 379 người bệnh được tuyển vào nghiên cứu.

            - d: Sai số chấp nhận được với d = 0,05

            - Với độ tin cậy 95% ta có Z21 - a/2 = 1,96

Thay số vào công thức tính cỡ mẫu và điều chỉnh chúng tôi được nf= 379 người bệnh.

+ Kỹ thuật chọn mẫu : Phương pháp chọn mẫu thuận tiện được áp dụng.

2.4 Phương pháp xử lý số liệu:

Số liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 22.0. Cả thống kê mô tả và thống kê phân tích được áp dụng. Thống kê mô tả bao gồm các tần số và tỷ lệ phần trăm với biến định tính, giá trị trung bình và độ lệch chuẩn với các biến định lượng. Thống kê phân tích sử dụng các kiểm định Khi bình phương, tỷ suất chênh OR và hồi quy logistic đa biến để so sánh các tỷ lệ và xác định mối liên quan với tuân thủ điều trị. Mức ý nghĩa thống kê 0<0,05 được áp dụng trong nghiên cứu

3. Kết quả nghiên cứu

3.1 Đặc điểm chung của bệnh nhân

Đối tượng nghiên cứu có tuổi trung bình là 68,1 ± 8,6 tuổi. Bệnh nhân chủ yếu là nữ giới (63,6%).

Trung bình, một người được chẩn đoán mắc ĐTĐ trong 6.3 ± 3.9 năm, tính tới thời điểm tham gia nghiên cứu. Khoảng một nửa trong số họ đã mắc bệnh trên 5 năm (50,9%), 33,2% mắc từ 2 tới 5 năm.

Tỷ lệ thừa cân, béo phì trong nghiên cứu chiếm hơn ½ số đối tượng. Có 3,2% số bệnh nhân nhẹ cân. Tỷ lệ bệnh nhân có biến chứng ĐTĐ là 7.7%. Tim mạch là biến chứng phổ biến nhất, chiếm 6.9%, tiếp theo là các biến chứng bàn chân (0.5%), biến chứng ở thận (0.5%) và biến chứng thần kinh (0.3%)

3.2.2 Đặc điểm cận lâm sàng

            Nồng độ Glucose máu khi đói của bệnh nhân ở lần đo gần nhất là 7.9±2.3 mmol/L. Chỉ số HbA1c trung bình là 7.3±1.3%. Các chỉ số LDL, HDL và Glycerid trung bình làn lượt là 2.8±2.0; 1.4±1.4 và 2.5±2.4 mmol/L.

3.3  Đặc điểm hành vi và quản lý bệnh của bệnh nhân

            Phần lớn bệnh nhân ĐTĐ trong nghiên cứu không uống rượu bia (82.9%) hay không hút thuốc lá (97.9%). Tỷ lệ uống từ 2 lần trở lên mỗi tháng chiếm 5.5%.

            Điểm số đánh giá tự quản lý bệnh của bệnh nhân trung bình trong mỗi khía cạnh về chế độ ăn chung, chế độ ăn cụ thể, tập thể dục, xét nghiệp đường huyết, và chăm sóc chân là 4.4 ± 0.9; 4.6±1.4; 4.4±2.2; 2.0± 1.5 và 0.7±1.6. Trung bình mỗi ngày một bệnh nhân hút 0.2±1.2 điếu thuốc.

3.4 Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân

Điểm CLCS 15D trung bình của đối tượng nghiên cứu là 0.9 ± 0.1 điểm. Điểm chất lượng cuộc sống về hoạt động tình dục thấp nhất là 0.3 ± 0.2, tiếp theo là khả năng nhìn 0.8 ± 0.2. Các khía cạnh khác đều có điểm chất lượng cuộc sống khá cao đạt 0.9 – 1.0.

3.5 Tình trạng tuân thủ điều trị của bệnh nhân

 

Biểu đồ 1: Mức độ tuân thủ điều trị

Chỉ có 1.3% số bệnh nhân nghiên cứu tuân thủ rất tốt việc điều trị ĐTĐ. Tỷ lệ có tuân thủ chiếm chưa tới 1/3 số đối tượng nghiên cứu (30.3%).

Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết bệnh nhân ĐTĐ type 2 trong nghiên cứu đã từng tự dừng thuốc khi cảm thấy bệnh ổn định (98,2%). Đồng thời cũng có 92,6% số bệnh nhân từng tự giảm liều hoặc dừng thuốc khi cảm thấy không thoải mái khi dùng thuốc. 92,6% số đối tượng trả lời họ cảm thấy khó khăn trong việc thuân thủ sử dụng thuốc

3.6 Một số yếu tố liên quan tới tuân thủ điều trị của người bệnh đái tháo đường tuýp 2 điều trị ngoại trú tại bệnh viện Đống Đa năm 2019

Bảng 1. Hồi quy đa biến một số yếu tố liên quan đến không tuân thủ điều trị ở bệnh nhân Đái tháo đường

Các yếu tố

OR

p

95%CI

Tuổi

1,0

0,95

1,0

1,0

Giới (Nữ so với nam)

0,9

0,83

0,5

1,8

Trình độ học vấn (Trên THPT so với ≤THPT)

1,4

0,38

0,7

2,6

Tình trạng hôn nhân (Sống chung so với độc thân)

0,6

0,15

0,3

1,2

Nghề nghiệp (Nghỉ hưu so với đang đi làm)

2,1

0,04

1,0

4,3

Thu nhập gia đình

1,0

0,90

0,9

1,1

Nguy cơ cao bị kỳ thị xã hội (Có so với không)

0,8

0,78

0,1

5,0

Có bệnh mắc kèm (Có so với không)

4,7

0,11

0,7

31,3

Số bệnh mắc kèm

1,2

0,30

0,9

1,7

Có biến chứng

3,6

0,15

0,6

20,1

Triglycerid (mmol/L)

0,9

0,04

0,8

1,0

Chế độ ăn chung

0,6

0,00

0,5

0,8

Chế độ ăn cụ thể

0,6

0,02

0,4

0,9

Tập thể dục

1,0

0,64

0,9

1,2

Kiểm tra đường huyết

0,9

0,09

0,7

1,0

Chăm sóc bàn chân

1,1

0,11

1,0

1,4

CLCS 15D

0,0

0,20

0,0

6,9

Mô hình hồi quy đa biến cho thấy khả năng không tuân thủ điều trị ở người nghỉ hưu cao hơn so với người đang đi làm (OR=2,1, 95%CI:1,0-4,3). Ngược lại, nguy cơ này thấp hơn ở người có nồng độ Triglycerid trong máu cao hơn (OR=0,9, 95%CI=0,8-1,0), có chế độ ăn chung và chế độ ăn cụ thể lành mạnh hơn (OR=0,6, 95%CI:0,5-0,8 và OR=0.6;95%CI: 0.4 – 0.9).

4. Bàn luận

4.1 Tình trạng tuân thủ điều trị của bệnh nhân

Nhiều báo cáo hiện nay đang cho thấy những vấn đề liên quan đến điều trị bệnh như tác dụng phụ, tương tác thuốc và không tuân thủ thuốc đang ngày càng gia tăng [4]. Tuân thủ sử dụng thuốc là việc vô cùng quan trọng cần phải được thực hiện nhằm đạt mục tiêu điều trị tốt hơn đồng thời giảm chi phí chữa bệnh, đặc biệt đối với những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính. Một nghiên cứu quan sát của Mỹ đã kết luận rằng mức độ tuân thủ điều trị cao đối ở bệnh nhân tiểu đường giúp giảm tổng chi phí chăm sóc sức khỏe [5]. Một nghiên cứu hồi cứu khác trên 11.000 bệnh nhân cho thấy bệnh nhân ĐTĐ type 2 tuân thủ điều trị kém có tỷ lệ nhập viện và tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn so với những bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt [6]. Để đánh giá tình trạng tuân thủ điều trị bệnh, nghiên cứu sử dụng bộ công cụ Morisky với 8 câu hỏi đánh giá việc sử dụng thuốc [7]. Kết quả cho thấy, chỉ có 1,3% số bệnh nhân nghiên cứu tuân thủ rất tốt việc điều trị ĐTĐ. Tỷ lệ tuân thủ trung bình chiếm 29% trong nghiên cứu, còn lại 69,7% số bệnh nhân không tuân thủ (tuân thủ kém). Những kết quả này cũng tương tự với kết quả được Mohammed M và cộng sự báo cáo trong một nghiên cứu ở Ả Rập trên 446 bệnh nhân ĐTĐ[8]. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho thấy những tỷ lệ tuân thủ tốt hơn. Một nghiên cứu ở Malaysia đã báo cáo kết quả nghiên cứu trên 175 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, có 44,5% tuân thủ mức trung bình và 17,1% tuân thủ điều trị rất tốt [9]. Đặc biệt theo Đỗ Hồng Thanh và cộng sự, tỷ lệ tuân thủ điều trị thuốc ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 đạt tới 91,9% [10].

4.2 Một số yếu tố liên quan tới tuân thủ điều trị ở bệnh nhân ĐTĐ type 2

Tuân thủ điều trị ĐTĐ là một yếu tố quan trọng giúp ngăn ngừa các biến chứng không mong muốn và giảm các chi phí chăm sóc sức khỏe. Việc tìm hiểu các yếu tố liên quan tới tuân thủ điều trị giúp xây dựng các chương trình can thiệp nhằm cải thiện tình trạng tuân thủ điều trị, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị bệnh cũng như phòng các biến chứng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc tuân thủ điều trị ở bệnh nhân bị ảnh hưởng bới các nhóm yếu tố như: yếu tố từ người bệnh, yếu tố liên quan tới trị liệu, yếu tố từ hệ thống chăm sóc sức khỏe, các yếu tố kinh tế xã hội và các vấn đề liên quan tới bệnh tật [11], [12], [13], [14].

Những bệnh nhân có tuổi càng cao thì khả năng không tuân thủ điều trị càng tăng (OR=1.04; 95%CI:1.01-1.06). Những người đã nghỉ hưu có tỷ lệ không tuân thủ điều trị ĐTĐ cao hơn so với người đang đi làm (OR=2.4, 95%CI: 1.5 – 4.0). Kết quả tương tự cũng được tìm thấy trong nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới điều trị bệnh tăng huyết áp [15]. Điều này có thể được giải thích do những người cao tuổi hơn gặp nhiều vấn đề liên quan tới trí nhớ hơn. Họ có thể quên uống thuốc nhiều lần hoặc nhiều ngày hay quên các hướng dẫn của bác sĩ, do đó không thực hiện đúng các chỉ định. Mặt khác, những người cao tuổi thường gặp nhiều vấn đề sức khỏe hơn, họ có nhiều bệnh mắc kèm do đó các chỉ định điều trị có thể phức tạp và khó nhớ hơn [16], [17], [18]. Để giải quyết những khó khăn này, cần có sự hỗ trợ của con cái, người thân và những người sống cùng để nâng cao việc tuân thủ điều trị ĐTĐ.

Tỷ lệ không tuân thủ điều trị thấp hơn ở người sống cùng vợ/chồng hoặc bạn tình so với những người độc thân (OR=0.4, 95%CI=0.2-0.7). Nói cách khác, những người sống một mình có khả năng không tuân thủ điều trị cao hơn. Kết quả tương tự đã được tìm thấy trong nghiên cứu của Bartosz Uchmanowicz[15]. Điều này dễ dàng có thể giải thích do những người sống cùng người khác có cơ hội nhận được sự hỗ trợ, nhắc nhở trong việc điều trị, dẫn tới tuân thủ tốt hơn các chỉ định và hướng dẫn điều trị bệnh. Một nghiên cứu khác cũng đã chỉ ra gia đình hạt nhân là nguồn hỗ trợ chính cho bệnh nhân trong quá trình điều trị các bệnh mãn tính. Họ có thể hỗ trợ người bệnh trong các khía cạnh về kinh tế, giúp tuân thủ điều trị, hỗ trợ cảm xúc và hỗ trợ vật chất[19].

            Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối liên quan đáng kể giữa tuân thủ điều trị với các khía cạnh tự chăm sóc, quản lý ĐTĐ. Thực tế là việc có nhận thức thích hợp đối với bệnh ĐTĐ sẽ làm tăng cả khả năng tự chăm sóc tốt và tuân thủ điều trị tốt ở người bệnh. Điều này gợi ý việc tăng cường nhận thức của bệnh nhân ĐTĐ bằng hình thức bất kỳ có thể làm tăng khả năng tuân thủ điều trị tốt cũng như thúc đẩy việc tự chăm sóc tốt hơn, từ đó nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

5. Kết luận

Tỷ lệ không tuân thủ điều trị còn cao trong nghiên cứu. Tuổi, nghề nghiệp, bệnh kèm theo và các yếu tố tự chăm sóc được tìm thấy có mối liên quan với tuân thủ điều trị Đái tháo đường. Để cải thiện việc tuân thủ điểu trị ở người bệnh ĐTĐ type 2, cần thực hiện các can thiệp hỗ trợ trên những nhóm nguy cơ cao không tuân thủ như người già, người nghỉ hưu, người có nhiều bệnh kèm theo. Đồng thời, cần thực hiện các can thiệp nâng cao nhận thức về tự chăm sóc cho người bệnh ĐTĐ type 2.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.         Narain, J.P., R. Garg và các cộng sự. (2011), "Non-communicable diseases in the South-East Asia region: burden, strategies and opportunities", The national medical journal of India,  24(5), tr. 280-287.

2.         Nguyễn Vinh Quang và Lê Phong (2013), "Báo cáo kết quả sơ bộ hoạt động điều tra lập bản đồ dịch tễ học bệnh đái tháo đường toàn quốc năm 2012", Dự án phòng chống đái tháo đường quốc gia hoạt động phòng chống các rối loạn thiếu i ốt, tr. 1-29.

3.         Trần Thị Thu Hiền, Nguyễn Hoài Phong và Nguyễn Tuấn Dũng (2019), "Khảo sát việc sử dụng thuốc hạ Glucose máu và sự tuân thủ dùng thuốc ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 tại bệnh viên Đa khoa Thiện Hạnh Đắk Lắk", Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh,  Phụ bản Tập 23(Số 2-2019), tr. 198-202.

XÁC NHẬN CỦA HỘI ĐỒNG