2016 - 2017
- Giá trị của hóa mô miễn dịch trong phát hiện tế bào Stellate

Giá trị của hóa mô miễn dịch trong phát hiện tế bào Stellate

trên mô gan bệnh nhân viêm gan mạn

Nguyễn Hồng Phúc, Đặng Trần Tiến, Bùi Thu Hằng,

Nguyễn Hồng Nhung, Nguyễn Trọng Tấn.

          Tóm tắt: Nghiên cứu được tiến hành trên mẫu mô gan của 30 bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan mạn do tiếp xúc với TNT với mục đích phát hiện sự có mặt của tế bào Stellate ở gan. Các mẫu mô gan được nhuộm bằng Hematoxylin & Eosin (HE) và bằng hóa mô miễn dịch với hai kháng thể là desmin và α smooth mucsle actin (α – SMA). Kết quả cho thấy phương pháp nhuộm HE không xác định được tế bào Stellate ở cả 30 mẫu mô gan. Tỷ lệ phát hiện được tế bào Stellate bằng hóa mô miễn dịch là 3.3% đối với desmin và 26.7% đối với α – SMA.

1. Đặt vấn đề

          Gan là một cơ quan lớn trong cơ thể, vừa có chức năng ngoại tiết, vừa có chức năng nội tiết, vừa là kho dự trữ và là trung tâm chuyển hóa quan trọng của cơ thể. Có nhiều tác nhân gây tác hại xấu đến gan như tích lũy chất béo, lạm dụng rượu, nhiễm siêu vi, tích lũy sắt hoặc đồng, độc tố dẫn tới ung thư và có thể làm hỏng gan. Rối loạn gan bao gồm gan nhiễm mỡ, xơ gan, viêm gan, rối loạn gan tự miễn dịch, ung thư và một số bệnh di truyền hiếm gặp. Về hình thái các tổn thương của gan được biểu hiện ở nhiều loại tế bào cấu trúc nên gan, trong đó tế bào Stellate (tế bào hình sao ở gan) có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên tổ chức xơ trong bệnh lý xơ gan.

        Tế bào Stellate có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên tổ chức xơ hóa ở gan. Tên thế giới đã có nhiều nghiên cứu về cấu trúc cũng như quá trình kích thích các tế bào sao tạo thành sẹo xơ tại gan nhằm mục đích tìm hiểu sâu hơn về cơ chế bệnh sinh của xơ gan, từ đó có thể tìm ra các hướng mới trong điều trị xơ gan. Có thể kể đến nghiên cứu của các tác giả như Ramón Bataller và cs (2005),  Rebecca G Wells (2004), Roger Klein Moreira (2007), Valery Krizhanovsky (2008), Scott L. Friedman (2008), Adil El Taghdouini (2015)…Tuy nhiên ở Việt Nam các nghiên cứu về tế bào này vẫn chưa được chú ý đến, đây là cơ sở để chúng tôi tiến hành nghiên cứu này.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Mẫu mô gan được sinh thiết của 30 bệnh nhân được điều trị tại Khoa bệnh nghề nghiệp (A7), Bệnh viện Quân Y 103 với chẩn đoán viêm gan mạn tồn tại do tiếp xúc với TNT.

Nghiên cứu được tiến hành tại Khoa Giải phẫu bệnh – Pháp Y, Bệnh viện 103.

Các mẫu mô gan sẽ được nhuộm HE và hóa mô miễn dịch với kháng thể desmin và α – SMA để xác định sự có mặt của tế bào Stellate.

3. Kết quả và bàn luận

3.1. Kết quả phát hiện tế bào Stellate ở các mẫu mô gan bằng phương pháp nhuộm Hematoxylin & Eosin (HE)

Bảng 3.1. Kết quả phát hiện tế bào Stellate bằng nhuộm HE

Kết quả phát hiện tế bào Stelaate

Số lượng

Tỷ lệ %

Có tế bào Stellate

0

0

Không có tế bào Stellate

30

100

Tổng

30

100

 

Hình 3.1. Mẫu R02 nhuộm HE, 630x

          Kết quả nhuộm mô gan với phương pháp nhuộm HE thông thường cho thấy rõ hình ảnh tế tổn thương tế bào gan với nhiều dạng khác nhau như thoái hóa mỡ, thoái hóa hốc…. Tuy nhiên, với tế bào Stellate hay tế bào hình sao gan thì trên tiêu bản nhuôm HE rất khó xác định được, do tính chất bắt mầu của các loại tế bào gần tương tự nhau, không đặc hiệu cho loại tế bào nào.

Trên tiêu bản nhuộm HE, ở một số mẫu chúng tôi quan sát thấy một số tế bào có hình dạng khác biệt so với các tê bào gan hay tế bào nội mô thành mạch, với một số đặc điểm sau: vị trí của tế bào nằm ở khoảng không gian giữa lòng mao mạch nan hoa và các tế bào gan, nhân tế bào nhỏ, bào tương sáng màu tương tự như các tế bào dự trữ lipid. Trong khi đó, tế bào Stellate khi chưa bị kích hoạt cũng là một tế bào có vai trò dự trữ lipid

3.2. Kết quả phát hiện tế bào Stellate ở các mẫu mô gan bằng HMMD với kháng thể Desmin và α Smooth Muscle Actin (α – SMA)

Bảng 3.2. Kết quả phát hiện tế bào Stellate bằng nhuộm HMMD mô gan

với Desmin và α – SMA

Kháng thể

Có tế bào Stellate (%)

Không có tế bào Stellate (%)

Tổng

Desmin

1 (3.3%)

29 (96.7%)

30 (100%)

α – SMA

8 (26.7%)

22 (73.3%)

30 (100%)

 

 Hình 3.2. Mẫu R23 nhuộm HMMD với Desmin, 400x

Kết quả nhuộm HMMD mẫu 2326 cho thấy các tế bào dương tính với kháng thể desmin có kích thước rất nhỏ, nằm ngay ở khoảng không gian giữa lòng mao mạch nan hoa và tế bào gan, các tế bào gan nhiễm mỡ, xung quanh không có tổ chức xơ hóa. Với hình ảnh như vậy chúng tôi có thể sơ bộ xác định được sự có mặt và vị trí của tế bào Stellate bằng kháng thể desmin. Kết quả này cũng tương tự với vị trí của tế bào Stellate trong nghiên cứu của Katarzyna Kot-Bakiera khi nhuộm với kháng thể desmin

Hình 3.3. Mẫu R26 nhuộm HMMD với α – SMA, 400x

 

Tế bào Stellate dương tính với kháng thể α – SMA

A: Tế bào Stellate; B: Thành mao mạch nan hoa

Chúng tôi quan sát thấy phản ứng dương tính đối với kháng thể α – SMA ở vị trí thành các mao mạch máu nan hoa và một số tế bào nằm ngay sát lớp tế bào nội mô của thành mạch máu với tế bào gan. Qua đó, chúng tôi có thể xác định được sự có mặt và vị trí của tế bào Stellate. Mặt khác, chúng tôi cũng quan sát thấy có sự tăng sinh các thành phần sợi dương tính với α – SMA, tạo thành các dải xơ nằm xen kẽ giữa các tế bào gan, cho thấy mối tương quan giữa sự tích tụ số lượng tế bào dương tính với α – SMA với mức độ xơ hóa gan. (Hình 3.4)

  Hình 3.4. Mẫu 29 nhuộm HMMD với α – SMA, 400x

 

Tế bào Stellate dương tính với α – SMA, tăng sinh các thành phần sợi actin.

4. Kết luận và kiến nghị

Từ những kết quả nghiên cứu thu được, nhóm nghiên cứu rút ra một số kết luận sau đây:

1. Phương pháp nhuộm Hematoxylin & Eosin chưa thể phát hiện được tế bào Stellate (tế bào hình sao gan) trong mô gan của bệnh nhân.

2. Phương pháp nhuộm hóa mô miễn dịch với kháng thể desmin và α – SMA

          - Tỷ lệ mẫu phát hiện được tế bào Stellate bằng kháng thể desmin là 3.3%.

          - Tỷ lệ mẫu phát hiện được tế bào Stellate bằng kháng thể α – SMA là 26.7%.

          Kết quả bước đầu của đề tài chúng tôi mong muốn tiếp tục phát triển mở rộng đề tài với hướng nghiên cứu vai trò của tế bào Stellate trên những bệnh nhân xơ gan do các tác nhân khác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Liễu (1995), “Nghiên cứu tác hại của chất nổ TNT đến sức khỏe của những người tiếp xúc trực tiếp với chúng trong thời gian dài”. Luận án tiến sỹ khoa học Y – Dược, Học viện Quân Y, 1995.
  2. Adil El Taghdouini, Mustapha Najimi, Pau Sancho-Bru (2015), “In vitro reversion of activated primary human hepatic stellate cells”. Fibrogenesis Tissue Repair, 2015 Aug 6, pp 8 – 14.
  3. Hiroyuki Motoyama, Tohru Komiya, (2014), “Cytoglobin is expressed in hepatic stellate cells, but not in myofibroblasts, in normal and fibrotic human liver”. Laboratory Investigation (2014) 94, 192–207.
  4. Katarzyna Kot-Bakiera, Ewelina Wawryk-Gawda (2016), “Hepatic stellate cells activation and liver fbrosis afer chronic administration of ethanol”. Curr. Issues Pharm. Med. Sci., Vol. 29, No. 2, Pages 66-70.
  5. Roger Klein Moreira (2007), “Hepatic Stellate Cells and Liver Fibrosis”. Arch Pathol Lab Med, Vol 131, November 2007, pp 1728 – 1734.

Summary

The role of immunohistochemistry in the detection of Stellate cells

in liver tissue of patients with chronic hepatitis

            The study was performed on liver tissue samples of 30 patients who were diagnosed with chronic hepatitis due to exposure to TNT for the purpose 
of detecting the presence of Stellate cells in the liver. Liver tissue samples were stained with Hematoxylin & Eosin (HE) and immunohistochemical 
with two antibodies desmin and α smooth mucle actin (α - SMA). Results showed that the HE staining method did not identify Stellate cells in all 
30 samples of liver tissue. The detection rate of immunohistochemical Stellate cells was 3.3% for desmin and 26.7% for α - SMA.