2015 - 2016
- Kiến thức và thực trạng tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi

KIẾN THỨC VÀ THỰC TRẠNG TIÊM CHỦNG CHO TRẺ DƯỚI 1 TUỔI CỦA NGƯỜI CHĂM SÓC TẠI XÃ THANH LIỆT HUYỆN THANH TRÌ THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2015 – 2016

Quản Thị Ngát, Đặng Hương Giang,

 Nguyễn Lê Thủy, Hà Diệu Linh, Lương Anh Vũ

Tóm tắt: Nghiên cứu này nhằm mô tả thực trạng tiêm chủng và đánh giá kiến thức của người chăm sóc (NCS) về tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội năm 2015 - 2016. Đối tượng nghiên cứu là cặp NCS/trẻ có độ tuổi từ 9 tháng đến 24 tháng tính đến thời điểm nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang. Kết quả cho thấy: tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi TCĐĐ là 96%, tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin BCG là 98%, số trẻ có sẹo BCG đạt chuẩn là 98, tỷ lệ NCS có kiến thức chung về tiêm chủng đạt chiếm tỷ lệ 28%, 25% NCS có kiến thức đạt về TCĐĐ.

Từ khóa: Tiêm chủng, Trẻ dưới 1 tuổi

  1. Đặt vấn đề

Bệnh truyền nhiễm là nhóm bệnh hay mắc có thể gây hậu quả nghiêm trọng , vắc xin là một công cụ hiệu quả trong dự phòng một số bệnh truyền nhiễm ở trẻ em[1]. Chương trình Tiêm chủng mở rộng (CT TCMR) được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 trải qua nhiều năm chương trình đã đạt được những thành tựu về tăng số lượng vắc xin, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng [3]. Tuy nhiên, những năm gần đây niềm tin của người dân về an toàn tiêm chủng đã suy giảm tỉ lệ tiêm chủng đáng kể do vậy việc cung cấp đầy đủ kiến thức về tiêm chủng và vắc xin là vô cùng cần thiết [1][2].

Nghiên cứu được tiến hành với mục tiêu sau:

  1. Mô tả thực trạng tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
  2.  Đánh giá kiến thức về tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi của người chăm sóc tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
  1. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu: cặp NCS/trẻ có độ tuổi từ 9 tháng đến 24 tháng tính đến thời điểm nghiên cứu (có ngày sinh từ 01 tháng 04 năm 2014 đến 29 tháng 2 năm 2015)

Địa điểm nghiên cứu: tại trạm y tế xã Thanh Liệt huyện Thanh Trì Hà Nội

- Thời gian nghiên cứu: Từ tháng 09 năm 2015 đến tháng 04 năm 2016

2.2. Phương pháp nghiên cứu

- Thiết kế nghiên cứu: mô tả cắt ngang.

- Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu

+ Cỡ mẫu: áp dụng công thức tính cỡ mẫu ước lượng một tỷ lệ trong quần thể

                                    

      Trong đó:

n: là cỡ mẫu nghiên cứu tối thiểu.

p: là tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, theo tác giả Nguyễn Tuấn (2013) lấy p = 82,8 %  (p = 0,828) [5].

d: là khoảng sai lệch cho phép giữa tỷ lệ thu được từ mẫu và tỷ lệ của quần thể. Chọn d = 0,074.

α: là Mức ý nghĩa thống kê; được chọn  α = 0.05 như vậy Z­1 -α /2 = 1,96 thay vào công thức ta tính được n = 100 đối tượng.

+ Phương pháp chọn mẫu: phương pháp chọn mẫu thuận tiện, điều tra viên đến địa điểm nghiên cứu và phỏng vấn đối tượng phù hợp theo tiêu chuẩn đến đủ cỡ mẫu thì dừng lại

2.3. Các tiêu chí đánh giá

- Thực trạng TC cho trẻ dưới 1 tuổi. Đánh giá thông qua tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được TCĐĐ, tiêm từng loại xắc xin và số trẻ có sẹo BCG đạt chuẩn

- Đánh giá kiến thức của NCS về tiêm chủng: dựa vào tỷ lệ NCS có kiến thức chung đạt về tiêm chủng, kiến thức đạt về TCĐĐ. Đối tượng trả lời đúng từ 70% tổng số điểm trở lên thì đánh giá NCS có kiến thức đạt, trả lời < 70% tổng số điểm thì đánh giá NCS có kiến thức không đạt. Việc cho điểm và đánh giá kiến thức của NCS trong nghiên cứu chúng tôi dựa vào kinh nghiệm lâm sàng và có tham khảo tài liệu nghiên cứu trước đó của tác giả Nguyễn Thị Thùy Dung [4].

2.4. Phương pháp và công cụ thu thập số liệu thu thập số liệu

2.4.1 Phương pháp thu thập số liệu: Lấy số liệu vào các ngày TC của TYT đó là ngày mùng 5/7 hàng tháng  bao gồm 5 đợt diễn ra trong 3 tháng từ tháng 11 năm 2015 đến tháng 1 năm 2016.

- Cách thức tiến hành:

+ Khám trẻ: quan sát sẹo BCG

+ Quan sát phiếu tiêm chủng cá nhân và sổ tiêm chủng của trạm y tế.

+ Phát phiếu phỏng vấn cho đối tượng nghiên cứu, hướng dẫn và giám sát người chăm sóc trả lời câu hỏi bằng cách yêu cầu NCS tự đọc từng câu hỏi và đọc các phương án chọn để lựa chọn câu trả lời thích hợp.

 2.4.2 Công cụ thu thập số liệu

- Mô tả thực trạng TC cho trẻ dưới 1 tuổi: biểu mẫu thu thập tình trạng TC gồm có thông tin ngày tiêm/uống vắc xin , kết quả sẹo BCG

- Kiến thức về TC cho trẻ dưới 1 tuổi của NCS: bộ câu hỏi phỏng vấn được thiết kế sẵn.

2. 5.Phương pháp phân tích và xử lý số liệu

Nhập số liệu vào máy tính bằng phần mềm Epi Data 3.1. Phân tích số liệu bằng phần mềm SPSS 16.0. Sử dụng thuật toán thống kê tính tỷ lệ %.

2.6. Hạn chế của nghiên cứu

- Trong phương pháp thu thập số liệu: NCS tự điền phiếu dù có sự giám sát và hướng dẫn của ĐTV nhưng vẫn có hạn chế.

III.  Kết quả và bàn luận

3.1. Thông tin chung về đối tượng nghiên cứu: Trong 100 trẻ tham gia nghiên cứu tỷ lệ trẻ nam/nữ là 52/48, 71% người chăm sóc có trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học còn lại là nhóm đối tượng khác, 44% NCS là cán bộ, viên chức.

3.2. Thực trạng tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi

Bảng 1: Tỷ lệ trẻ được tiêm chủng từng loại vắc xin

Vắc xin

Số lượng (n)

Tỷ lệ %

BCG

98

98

DPT

100

100

OPV

100

100

Hib

100

100

VGB

100

100

Sởi 1

98

98

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ trẻ được tiêm BCG là 98%, trong nghiên cứu của tác giả Phúc tỷ lệ TC tiêm BCG đạt chuẩn là 100%[7], ở Bắc Giang là 95,7%, Bắc Ninh 98,3% và của toàn quốc năm 2010 là 93,7%[6], vắc xin sởi cũng được tiêm với tỷ lệ 98% trong khi cả miền bắc năm 2012 tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin sởi là 96,8% [6] . 100% trẻ được tiêm các vắc xin DPT, OPV,  Hib, VGB, tỷ lệ này chung cho cả miền Bắc vào năm 2011 là 96,7% và 92,1% vào năm 2012).

Bảng 2 : Đặc điểm sẹo BCG

Đặc điểm sẹo BCG

Số lượng (n)

Tỷ lệ (%)

Đạt chuẩn

98

100

Không đạt chuẩn

0

0

Tổng

100

100

    Có 98 trẻ được tiêm BCG và cả 98 trẻ này có sẹo BCG đạt chuẩn, như vậy 100% trẻ tại xã Thanh Liệt đã tiêm BCG đều có sẹo đạt yêu cầu. Điều này chứng tỏ kỹ thuật tiêm vắc xin BCG của nhân viên yêu tế tại đây khá tốt.  

Bảng 3 : Thực trạng tiêm chủng của trẻ dưới 1 tuổi

Thực trạng tiêm chủng

Số lượng (n)

Tỷ lệ (%)

Tiêm chủng đầy đủ

96

96

Tiêm chủng một phần

4

4

Không tiêm chủng

0

0

Tổng

100

100

Trong nghiên cứu này tỷ lệ trẻ  dưới 1 tuổi được TCĐĐ chiếm 96%, tại Miền Bắc theo nghiên cứu của tác giả Nhung là 97,1%(2012),  theo báo cáo của tác giả Phúc ở Hà Nội là 100% vào năm 2008 nhưng giảm còn 97,7% vào năm 2010. Phải chăng tỷ lệ TCĐĐ tại địa bàn chúng tôi nghiên cứu trong năm gần đây bị ảnh hưởng do tâm lý của NCS lo ngại về những phản ứng có thể gặp sau TC ảnh hưởng đến trẻ.

3.3. Kiến thức của người chăm sóc về tiêm chủng

Bảng 4. Đánh giá kiến thức của người chăm sóc về tiêm chủng

Kiến thức

Đạt

Không đạt

Tổng

n

%

N

%

n

%

Kiến thức chung

28

28

72

72

100

100

Kiến thức về TCĐĐ

25

25

75

75

100

100

Chúng tôi nhận thấy tỷ lệ NCS trong nghiên cứu của chúng tôi có kiến thức chung về tiêm chủng ở mức đạt chiếm 28% và 25%  NCS có kiến thức đạt về tiêm chủng đầy đủ. Chúng tôi thừa nhận rằng tỷ lệ này là chưa cao tuy nhiên kết quả nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ đạt 96%, là mức cao so với cả nước. Có thể việc quyết định đưa trẻ đi tiêm chủng có vai trò quan trọng là mẹ trẻ trong khi nghiên cứu của chúng tôi lại tiến hành phỏng vấn người chăm sóc gồm cả ông, bà, bác và người giúp việc của gia đình.

IV.  Kết luận và kiến nghị

4.1. Kết luận

Có 96% trẻ dưới 1 tuổi được TCĐĐ, 98% trẻ được tiêm chủng BCG và sởi 1, 100% trẻ được tiêm/uống các loại vắc xin DPT, VGB, viêm màng não mủ do Hib, OPV. Và 100% trẻ được tiêm BCG đều có sẹo BCG đạt chuẩn.

Tỷ lệ NCS có kiến thức chung đạt về tiêm chủng là 28% và 25 % NCS có kiến thức đạt về TCĐĐ.

4.2. Kiến nghị 

Duy trì thành quả TC cho trẻ dưới 1 tuổi tại xã Thanh Liệt đã đạt được: tỷ lệ TCĐĐ là 96%. Duy trì thành quả TC từng loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn đối với các vắc xin trong CT TCMR như: BCG, Sởi, DPT – VBG – Hib. Tăng cường hơn nữa công tác truyền thông – giáo dục sức khỏe để nâng cao kiến thức của NCS về tiêm chủng và TCĐĐ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2014), Quyết định 4282/QĐ-BYT về việc phê duyệt "kế hoạch truyền thông về việc tiêm chủng giai đoạn 2014-2016". Trang 1,2

2. Bộ Y tế và Dự án tiêm chủng mở rộng (2012), "Thành quả 25 năm tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam", Nhà xuất bản Y học, Hà Nội

3. Cục y tế dự phòng, Bộ y tế. Hội y học dự phòng Việt Nam. Ngày 17 tháng 6 năm 2014. http://www.tapchiyhocduphong.vn/tin-tuc/tin-tuc-va-su-kien/2014/06/81E2105C/tuan-le-tiem-chung-o-viet-nam-lich-su-va-hien-tai. Ngày truy cập 17 tháng 4 năm 2016.

4. Nguyễn Thị Thùy Dung (2015), Thực trạng phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem và thực hành chăm sóc trẻ sau TC của các bà mẹ tại tỉnh bắc Ninh năm 2014, Khóa luận tốt nghiệp cử nhân y khoa, Đại học Y Hà Nội

5. Nguyễn Tuấn, Lê Quang Phong,Võ Viết Quang (2013), Đánh giá thực trạng công tác tiêm chủng mở rộng tại Hà Tĩnh cho trẻ em dưới 1 tuổi năm 2013, Sở Y tế Hà Tĩnh

6. Dương Thị Nhung, Tỷ lệ TCĐĐ cho trẻ em dưới 1 tuổi tại các tỉnh Miền Bắc Việt Nam năm 2008 – 2013, Luận văn tốt nghiệp cử nhân Y khoa, năm 2013

7. Hoàng Đức Phúc (2012), Đánh giá tỷ lệ tiêm chủng mở rộng tại thành phố Hà Nội năm 2010, Khóa luận tốt nghiệp bác sỹ y học dự phòng, khóa 2006 -2012, Đại học Y Hà Nội

KNOWLEDGE AND REALITY VACCINATION FOR CHILDEN UNDER ONE YEAR OF SOCIAL CARE AT TOWN THANH LIET, THANH TRI DISTRICT, HANOI CITY IN 2015 – 2016.

This study aimed to describe the current situation and evaluate immunization caregivers' knowledge about immunization for children under 1 year old at Thanh Liet Commune, Thanh Tri District, Hanoi in 2015 - 2016. Study subjects the pair caregivers/children aged 9 months to 24 months by the time of the study. Research Methodology describe the cross. The results showed that: the proportion of children under 1 year fully vaccinated is 96%, the proportion of children being vaccinated BCG is 98%, the number of children with BCG scar standard is 98, the rate of general knowledge about caregivers has achieved immunization accounting 28%, 25% caregivers with fully vaccinated knowledge gained about.

Keywords: Vaccination, Children under 1 year old.