2014 - 2015
- Nghiên cứu tác dụng chống viêm cấp của cao đặc Long đởm

BÁO CÁO TÓM TẮT ĐỀ TÀI

Nghiên cứu tác dụng chống viêm cấp của cao đặc Long đởm trên thực nghiệm

Ts. Lê Thị Hải Yến, PGS.Ts. Tạ Văn Bình, Bs. Vũ Thị Minh Hiền, Ths. Nguyễn Thị Quyên , CN. Phạm Thị Hằng Nga

 

TÓM TẮT

Long đởm là dược liệu được dùng khá phổ biến trong điều trị các bệnh lý có viêm và các bệnh ngoài da. Trong nghiên cứu này chúng tôi đánh giá tác dụng chống viêm của cao đặc Long đởm qua 2 mô hình là: mô hình gây phù chân chuột bằng carrageenin và mô hình gây tràn dịch màng bụng ở chuột cống trắng

Kết quả cho thấy, cao đặc Long đởm (CĐLĐ) liều 16g/kg có tác dụng ức chế phù rõ tại thời điểm sau gây viêm 2h và 4h. CĐLĐ liều 16g/kg cũng cho thấy tác dụng chống viêm cấp tương tự aspirin liều 200mg/kg khi làm giảm hàm lượng protein, số lượng bạch cầu và thể tích dịch rỉ viêm trong mô hình gây tràn dịch màng bụng ở chuột cống trắng.

Trong 2 mô hình nghiên cứu thì CĐLĐ liều 8g/kg cho thấy có xu hướng làm giảm viêm nhưng tác dụng không bằng CĐLĐ liều 16g/kg. Như vậy, có thể sử dụng CĐLĐ liều 16g/kg thay thế cho aspirin trong điều trị chống viêm để làm giảm các tác dụng không mong muốn.

1. Đặt vấn đề

Viêm là một triệu chứng thường gặp trong nhiều bệnh lý như viêm khớp, gút… Viêm vừa là một phản ứng bảo vệ cơ thể chống lại yếu tố gây bệnh, vừa là phản ứng bệnh lý vì quá trình viêm gây ra tổn thương, hoại tử, rối loạn chức năng cơ quan… có thể ở mức độ rất nặng nề, nguy hiểm. Trong các bệnh lý có viêm, người bệnh thường được chỉ định dùng các thuốc chống viêm, giảm đau steroid và không steroid. Nhưng các thuốc này lại có nhiều tác dụng phụ. Do vậy việc tìm ra các thuốc chống viêm có hiệu quả cao, ít có tai biến đang được nghiên cứu một cách rộng rãi [1].

Long đởm là dược liệu đã được ghi vào Dược điển Việt Nam, Dược điển Trung Quốc và nhiều tài liệu y dược trên thế giới. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy trong dược liệu Long đởm có chứa: iridoid, triterpen, flavon, xanthone, alcaloid và một số chất khác có tác dụng dược lý cao, có tác dụng kháng khuẩn, giải độc gan, giảm đau và kháng viêm cấp tính, chống dị ứng [5].

Trong nghiên cứu trước, chúng tôi đã xác định được dược liệu Long đởm có tác dụng chống dị ứng trên súc vật thí nghiệm như: có tác dụng chống sốc, giảm ngứa, làm vững bền tế bào mast [2]…Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiếp tục đánh giá tác dụng chống viêm cấp của cao đặc Long đởm trên mô hình gây phù chân chuột và mô hình gây tràn dịch màng bụng ở chuột cống trắng.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1. Đối tượng nghiên cứu

- Dược liệu Long đởm (Gentiana rigescens Franch.), đạt tiêu chuẩn DĐVN IV, mua của công ty TNHH Phúc Hưng.

- Chế phẩm nghiên cứu là cao đặc Long đởm do Bộ môn Dược – Trường cao đẳng y tế Hà Nội bào chế, đạt tiêu chuẩn cơ sở.

- Chế phẩm cho chuột uống được pha loãng với nước cất đến tỉ lệ thích hợp.

- Liều dùng được quy ra theo dược liệu khô/kg thể trọng động vật.

2.2. Súc vật nghiên cứu

- Chuột cống trắng  chủng Wistar trưởng thành, cả hai giống đực và cái, khỏe mạnh, cân nặng 150 – 200 g.

- Súc vật được nuôi trong điều kiện đầy đủ thức ăn và nước uống tại phòng thí nghiệm Bộ môn Dược lý - Trường đại học Y Hà Nội từ 7 ngày trước khi nghiên cứu và trong suốt thời gian nghiên cứu.

2.3. Thuốc, hóa chất, dụng cụ nghiên cứu

- Aspirin, biệt dược Aspégic (DL-lysine Acetylsalicylate) gói bột 100mg của hãng Sanofi aventis, Pháp.

- Dung dịch carrageenin 1%, formaldehyd, nước muối sinh lý.

- Kit định lư­ợng các enzym và chất chuyển hoá trong máu: protein toàn phần của hãng Hospitex Diagnostics (Italy) và hãng DIALAB GmbH (Áo), định lượng trên máy Screen master của hãng Hospitex Diagnostics (Italy).

- Dung dịch xét nghiệm máu ABX Minidil LMG của hãng ABX - Diagnostics, định lượng trên máy Vet abcTM Animal Blood Counter.

- Phù kế Plethysmometer No7250 của hãng Ugo-Basile (Italy).

- Thước đo điện tử, đồng hồ đếm giây, kính hiển vi quang học.

- Máy ly tâm

2.4. Phương pháp nghiên cứu
2.4.1. Nghiên cứu tác dụng chống viêm cấp bằng carrageenin trên mô hình phù chân chuột [3]

Chuột cống trắng được chia ngẫu nhiên thành 4 lô, mỗi lô 10 con.

- Lô 1 (Lô chứng): uống nước cất 1 ml/100g thể trọng/ ngày

- Lô 2: uống aspirin liều 200mg/kg chuột.

- Lô 3: uống cao lỏng với liều 08g dược liệu/kg thể trọng chuột (hệ số ngoại suy là 8).

- Lô 4: uống cao lỏng với liều 16g dược liệu/kg thể trọng chuột.

Chuột được uống thuốc 4 ngày liên tục trước khi gây viêm. Ngày thứ 4, sau khi uống thuốc, gây viêm bằng cách tiêm carrageenin 1% (pha trong nước muối sinh lý) 0,1ml/chuột vào gan bàn chân sau, bên phải của chuột.

Đo thể tích chân chuột (đến khớp cổ chân) bằng dụng cụ chuyên biệt vào các thời điểm: trước khi gây viêm (V0); sau khi gây viêm 2h (V2), 4h (V4), 6h (V6) và 24h (V24).

Sơ đồ thời gian làm thực nghiệm nghiên cứu tác dụng chống viêm cấp được trình bày ở hình .

Sơ đồ thời gian làm thực nghiệm nghiên cứu tác dụng chống viêm cấp

Kết quả được tính theo công thức của Fontaine.

+ Độ tăng thể tích chân của từng chuột được tính theo công thức:

Trong đó: V0 là thể tích chân chuột trước khi gây viêm

                            Vt là thể tích chân chuột sau khi gây viêm

+ Tác dụng chống viêm của thuốc được đánh giá bằng khả năng ức chế phản ứng phù (I%).

Trong đó: : trung bình độ tăng thể tích chân chuột ở lô đối chứng

                 : trung bình độ tăng thể tích chân chuột ở lô uống thuốc

2.4.2. Nghiên cứu tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây viêm màng bụng trên chuột cống trắng

Chuột cống trắng được chia ngẫu nhiên thành 4 lô, mỗi lô 10 con

+ Lô 1: uống nước cất hoặc dung môi pha thuốc 1ml/100g thể trọng/ ngày

+ Lô 2: uống aspirin liều 200 mg/kg/ ngày

+ Lô 3: uống cao lỏng với liều 08g dược liệu/kg thể trọng chuột.

+ Lô 4: uống cao lỏng với liều 16g dược liệu/kg thể trọng chuột.

Chuột được uống thuốc trong 4 ngày liên tục trước khi gây viêm. Ngày thứ 4, sau khi uống thuốc 1 giờ, gây viêm màng bụng bằng dung dịch carrageenin 0,05g pha với formaldehyd 1,4 ml, pha trong nước muối sinh lý 0,9% vừa đủ 100ml. Tiêm vào khoang màng bụng với thể tích 2ml/ chuột.

Sau 24 giờ gây viêm , mổ ổ bụng chuột hút dịch rỉ viêm. Đo thể tích và đếm số lượng bạch cầu trong dịch rỉ viêm, định lượng protein trong dịch rỉ viêm ở mỗi lô và so sánh giữa các lô.

2.5. Phương pháp xử lý số liệu : Các số liệu thu thập đ­ược xử lý bằng ph­ương pháp thống kê y sinh học theo T test – Student. Kết quả được trình bày dạng :  ± SE. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi giá trị p < 0,05.

3. Kết quả và bàn luận

3.1. Tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây phù chân chuột bằng carrageenin của cao đặc Long đởm

Kết quả nghiên cứu tác dụng của cao đặc Long đởm trên mô hình gây phù chân chuột bằng carrageenin cho thấy:

- CĐLĐ liều 8g/kg, uống liên tục trong 4 ngày có xu hướng làm giảm viêm cấp trên mô hình ở tất cả các thời điểm nghiên cứu so với lô chứng, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

- CĐLĐ liều 16g/kg, uống liên tục trong 4 ngày có tác dụng giảm viêm cấp trên mô hình ở tất cả các thời điểm nghiên cứu. Tuy nhiên, tác dụng chống viêm chỉ có sự khác biệt tại thời điểm 2h và 4h sau gây viêm (p<0,05), thời điểm sau 6h và 24h có xu hướng giảm viêm nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p>0,05.

- Aspirin liều 200mg/kg, uống liên tục trong 4 ngày có tác dụng giảm viêm cấp trên mô hình ở các thời điểm sau 2h, 4h và 6h sau nghiên cứu (p<0,05), ở thời điểm sau 24h thuốc có xu hướng làm giảm viêm nhưng không có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Có thể giải thích tác dụng chống viêm sau 24h của aspirin không có sự khác biệt do thời gian bán thải (T/2) của aspirin khoảng 6h. Do vậy, trên thực tế lâm sàng để sử dụng tác dụng chống viêm, phải dùng aspirin thành nhiều lần trong ngày (3-4 lần/ngày).

Kết quả này cũng phù hợp với tác giả Vương Đức Kiện, Lý Xảo Vân và cộng sự thử tác dụng chống viêm cấp trên mô hình gây viêm bàn chân chuột bằng carrageenin trên thực nghiệm cho thấy Long đởm liều 0,7g/kg và 1,4g/kg có tác dụng ức chế phù bàn chân chuột, mức độ ức chế phù so với lô mô hình có ý nghĩa thống kê với p<0,01, với lô chứng dùng betamethason liều 0,005g/kg sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p>0,05 [4].

3.2. Tác dụng chống viêm cấp của cao đặc Long đởm trên mô hình gây viêm màng bụng ở chuột cống trắng

Ở mô hình gây viêm màng bụng chuột, khả năng chống viêm của cao đặc Long đởm được đánh giá qua 3 tiêu chí là: giảm thể tích dịch rỉ viêm, giảm số lượng bạch cầu và số lượng protein trong dịch rỉ viêm.

- CĐLĐ liều 8g/kg, uống liên tục trong 4 ngày có tác dụng chống viêm cấp trên mô hình, thể hiện ở hàm lượng protein và thể tích dịch rỉ viêm giảm có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Riêng số lượng bạch cầu có giảm so với lô chứng, nhưng sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0,05).

- CĐLĐ liều 16g/kg, uống liên tục trong 4 ngày có tác dụng chống viêm cấp trên mô hình ở tất cả các tiêu chí đánh giá. Hàm lượng protein, số lượng bạch cầu, thể tích dịch rỉ viêm đều giảm so với lô chứng và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Tác dụng của CĐLĐ liều 16g/kg tương đương tác dụng của aspirin liều 200mg/kg

          Như vậy, qua 3 tiêu chí trên cho thấy có thể dùng CĐLĐ liều 16g/kg để thay thế aspirin trong điều trị chống viêm cấp.

4. Kết luận

Trong các mô hình chống viêm được tiến hành, cho thấy cao đặc Long đởm có các tác dụng rõ ràng trong giảm phù trên mô hình gây viêm chân chuột bằng carrageenin và tác dụng giảm viêm trên mô hình gây viêm màng bụng ở chuột.

Ở mô hình gây phù viêm chân chuột bằng carrageenin, tác dụng của cao đặc Long đởm liều 16g/kg được thấy rõ sau 2h và 4h.

Ở mô hình gây viêm màng bụng chuột, cao đặc Long đởm liều 16g/kg cho thấy tác dụng giảm viêm ở cả 3 tiêu chí đánh giá.

          Khi so sánh tác dụng của cao đặc Long đởm liều 16g/kg với aspirin có thể thấy cao đặc Long đởm liều 16g/kg tuy có tác dụng yếu hơn aspirin trong các tiêu chí đánh giá nhưng thời gian tác dụng tương đương với aspirin. Trong mô hình nghiên cứu cũng cho thấy, tác dụng chống viêm của cao đặc Long đởm liều 8g/kg là không rõ ràng, nên không khuyến cáo sử dụng. Việc sử dụng cao đặc Long đởm trong các bệnh lý viêm sẽ giúp hạn chế các tác dụng không mong muốn của thuốc chống viêm tổng hợp. 

SUMMARY

Analyzing acute anti-inflammatory effects of Gentiana rigescens F.

on experiment

Gentiana rigescens F. are known as effective inflammatory and infectious diseases in dermatology. In this study, we use Gentiana rigescens F. to assess anti-inflammatory effect through 2 models: 1. The effect on foot edema model .2. Ascites model in white rats.

Results showed dose of 16g / kg has clearly inhibitory effects in paw edema of rats at 2 hours and 4 hours after inflammation. Gentiana rigescens F. 16g dose / kg also showed anti-inflammatory effects that similar to aspirin dose level of 200 mg / kg while reducing the protein, number of white bloods and inflammatory exudate volume in ascites model of white rats. In two studying models, the Gentiana rigescens F. dose 8g / kg showed a tendency to decrease inflammation but not as effective as Gentiana rigescens F. dose 16g / kg. We can use Gentiana rigescens F. 16g dose / kg as an alternative to aspirin in anti-inflammatory treatment to reduce the undesirable effects.

5. Tài liệu tham khảo

1.       Bộ môn Miễn dịch - Sinh lý bệnh - Trường Đại học Y Hà Nội (2008), Sinh lý bệnh học, Nhà xuất bản Y học.

2.       Lê Thị Hải Yến và cộng sự (2014), Nghiên cứu tác dụng chống dị ứng của cao đặc Long đởm trên thực nghiệm, Trường cao đẳng y tế Hà Nội.

3.       Winter C.A et al (1962), "Carrageenin - induced edemain hind paw of the rat as an assay for anti-inflammatory drugs", Proc. Soc. Exp. Biol. Med.,  111, tr. 544-547.

4.       Wang De jian, Li Yun (2007), "龙胆草水提物的抗炎解热作用研究", 四川省卫生管理干部学院学报,  26(1), tr. 3-5.

5.       Wang Shi jun, Wang Zhi min (2009), "龙胆属植物中的化学成分及药理活性研究进展", 中国中药杂志,  34(23), tr. 2987-2994.

XÁC NHẬN CỦA HỘI ĐỒNG NGHIỆM THU ĐỀ TÀI NCKH