Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)

 

2014 - 2015
- Khảo sát thực trạng và kiến thức lệch lạc khớp cắn

KHẢO SÁT THỰC TRẠNG VÀ KIẾN THỨC LỆCH LẠC KHỚP CẮN Ở SINH VIÊN ĐIỀU DƯỠNG ĐA KHOA TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ HÀ NỘI NĂM 2015.

Hoàng Thị Đợi, Trần Chung Anh, Trần Thanh Tâm,

Nguyễn Như Ước, Lê Thị Thúy Quỳnh

Tóm tắt

          Tiến hành nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 216 sinh viên điều dưỡng đa khoa trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, kết quả cho thấy: Tỷ lệ lệch lạc khớp cắn là 93,1%; sai khớp loại I: 10,6%; loại II: 30,6%; loại III: 22,7% và loại hỗn hợp: 29,2%. Ở Nam sai khớp hỗn hợp cao nhất chiếm 37,2%; ở nữ, sai khớp loại II chiếm cao nhất: 33,8%. Cung răng dạng hình vuông chiếm tỷ lệ cao nhất ở cả hàm trên và hàm dưới: Hàm trên:48,6%; hàm dưới: 46,3%; dạng Oval cao ở nam: 50,0%; ở nữ: 56,2%. Chỉ số Bolton < 91,3 ở nam: 67,4%; chỉ số Bolton > 91,3 ở nữ: 59,2%.

      Kết quả nghiên cứu kiến thức của sinh viên về lệch lạc khớp cắn cho thấy: 90,7% biết các răng mọc thẳng đều trên cung hàm; 24,5% biết độ cắn phủ là 2 -3 mm. Trên 70% sinh viên biết các dấu hiệu nhận biết tình trạng lệch lạc khớp cắn, và có kiến thức dự phòng, chăm sóc răng lệch lạc. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy kiến thức về lệch lạc khớp cắn của sinh viên năm thứ 3 tốt hơn năm thứ 2 và thứ 1.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu thu được, tác giả có khuyến nghị: Hàng năm, nhà trường cần tổ chức khám sức khỏe cho sinh viên và chú trọng phát hiện lệc lạc răng của sinh viên để tư vấn điều trị. Đồng thời tác giả đề nghị nên bổ sung thêm nội dung liên quan đến lệc lạc khớp cắn vào chương trình đào tạo sinh viên điều dưỡng đa khoa.

  1. Đặt vấn đề

Từ xa xưa, lệch lạc răng đã trở thành mối bận tâm của nhiều cá nhân, nhiều gia đình. Tại Mỹ, chỉ 1/3 dân số có khớp cắn bình thường, 2/3 dân số sai khớp cắn [3]. Ở Việt Nam, tỷ lệ lệch lạc răng cũng chiếm tỷ lệ khá cao ở mọi lứa tuổi. Theo Đồng Khắc Thẩm (2000), tỷ lệ sai khớp cắn của người Việt Nam tuổi 17 – 27: 83,2%. Các nguyên nhân gây ra lệch lạc khớp cắn vẫn chưa được quan tâm phát hiện sớm, điều trị kịp thời [6]. Lệch lạc khớp cắn gây ảnh hưởng đến khuôn mặt, chức năng ăn nhai, tạo điều kiện cho các bệnh răng miệng hình thành và phát triển khiến quá trình điều trị, phòng bệnh khó khăn. Đối với người điều dưỡng viên với nhiệm vụ giao tiếp, giáo dục sức khỏe cho người bệnh nếu bị lệch lạc khớp cắn sẽ gặp bất lợi trong nghề nghiệp. Một kiến thức đầy đủ về lệch lạc khớp cắn sẽ giúp các em vừa tự biết cách chăm sóc và dự phòng các nguy cơ. Đây là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào về thực trạng lệch lạc khớp cắn và kiến thức về lệch lạc khớp cắn của các sinh viên điều dưỡng đang học tập tại trường. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trên, chúng tôi nghiên cứu đề tài này với 2  mục tiêu: 

1. Mô tả thực trạng lệch lạc khớp cắn của sinh viên điều dưỡng đa khoa trường Cao đẳng Y tế Hà Nội năm 2015.

  1. Đánh giá kiến thức về lệch lạc khớp cắn của sinh viên điều dưỡng đa khoa trường Cao đẳng Y tế Hà Nội năm 2015.
  2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
    1. Đối tượng nghiên cứu

- Sinh viên điều dưỡng đa khoa hệ chính đang học tại trường Cao đẳng Y tế Hà Nội năm học 2014 - 2015.

- Thời gian nghiên cứu: từ tháng 12/ 2014 đến tháng 04/2015.

- Địa điểm : Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội.

3.2. Phương pháp nghiên cứu : Sử dụng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang.

* Cỡ mẫu: Áp dụng công thức tính cỡ mẫu cho phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang xác  định một tỷ lệ.

* Chọn mẫu: Theo cách chọn ngẫu nhiên đơn.

* Tiêu chuẩn xác định lệch lạc khớp cắn (LLKC) và mức độ kiến thức về LLKC

- Theo Angle [2]

- Cho điểm kiến thức : Gồm 50 câu hỏi, mỗi câu trả lời đúng tính 01 điểm, dựa vào số điểm chia 3 mức độ tốt, trung bình, kém.

3.3. Xử lý số liệu: Tất cả các số liệu nghiên cứu được nhập bằng phần mềm Epi data 3.0 và xử lý bằng phần mềm SPSS 16.0.

  1. Kết quả nghiên cứu và bàn luận
    1. Đặc điểm chung của đối tượng nghiên cứu

Qua nghiên cứu  chúng tôi thấy tỷ lệ sinh viên nữ  (60,2%) cao hơn SV nam (39,8 %), SV năm 1 chiếm 38,0%, năm 2 là  38,9% , năm thứ 3 là 23,1%.

4.2. Thực trạng lệch lạc khớp cắn của đối tượng nghiên cứu

 

Biểu đồ 1. Phân bố tỷ lệ khớp cắn Angle của SV theo giới

Kết quả biểu đồ 1 cho thấy tỷ lệ sai khớp cắn chung là 93,1% trong đó khớp cắn loại II phổ biến nhất chiếm 30,6%. Kết quả này của chúng tôi tương đương với kết quả nghiên cứu của Hoàng Thị Bạch Dương [3] năm 2000 (91,0%) và cao hơn kết quả nghiên cứu của Đồng Thị Mai Hương [4] trên đối tượng SV trường Đại học Y Hải Phòng năm 2013 (74,7%). Kết quả cho thấy hiện nay tình trạng lệch lạc khớp cắn ở đối tượng sinh viên các trường chuyên nghiệp đang rất cao, cần được quan tâm cải thiện giúp các em có thêm tự tin trong công tác khi ra trường. Cũng theo kết quả biểu đồ trên, khi xét theo giới, giới nam gặp chủ yếu khớp cắn loại hỗn hợp (37,2%), ở nữ gặp chủ yếu khớp cắn loại II (33,8%).

 

Hàm

          Dạng

Giới

Hình Vuông

Hình Oval

Hình tam giác

Tỷ lệ (%)

Tỷ lệ (%)

Tỷ lệ (%)

Hàm trên

Chung

48.6

39.8

11.6

Nam

37.2

50.0

12.8

Nữ

56.2

33.1

10.8

Hàm dưới

Chung

46.3

42.6

11.1

Nam

25.6

62.8

11.6

Nữ

60.0

29.2

10.8

Bảng 1. Sự phân bố hình dạng cung răng hai hàm theo giới

Kết quả bảng trên cho thấy: với 3 dạng cung răng phổ biến là dạng hình vuông, dạng hình oval và dạng hình tam giác, ở cả hàm trên và hàm dưới, cung răng hình oval chiếm tỷ lệ cao nhất ở giới nam (50,0% ở hàm trên, 62,8% ở hàm dưới). Kết quả này tương đồng với kết quả nghiên cứu của Trần Tuấn Anh và Nguyễn Phan Hồng Ân [1] tại trường CĐYT Bình Dương năm 2014 (Cung răng hình Oval chiếm tỷ lệ cao nhất ở nam là 69,7%). Ở giới nữ, gặp chủ yếu cung răng hình vuông chiếm 56,2% ở hàm trên và 60,0% ở hàm dưới. Kết quả này cao hơn so với Trần Tuấn Anh năm 2014 (27,5%) và Đồng Mai Hương [4] năm 2013 (39,3%).

 

Biểu đồ 2. Phân bố khoảng ở hàm trên và hàm dưới

Ở cả hàm trên và hàm dưới đều tập trung chủ yếu ở mức độ thiếu khoảng 0 ≤ X < 2, chiếm 48,6% ở hàm trên và 41,1% ở hàm dưới. Kết quả này của chúng tôi cũng tương đồng với kết quả nghiên cứu của tác giả Đặng Thị Khánh [5] năm 2011 (Hàm trên 47,2%; hàm dưới 48,0%). Đây là nhóm thiếu khoảng ít hoặc không thiếu. Loại thiếu khoảng này thường không có nhu cầu điều trị hoặc ít phải điều trị vì không gây ảnh hưởng chức năng và thẩm mỹ.

 

Biểu đồ 3. Chỉ số Bolton của đối tượng nghiên cứu theo giới

Qua kết quả biểu đồ 3 cho thấy: chỉ số Bolton có sự khác biệt theo giới. Ở nam giới, chỉ số Bolton < 91,3 chiếm tỷ lệ cao (67,4%), chỉ số Bolton > 91,3 chiếm tỷ lệ thấp (32,6%). Ở nữ giới, chỉ số Bolton > 91,3 chiếm tỷ lệ cao (59,2%) hơn chỉ số Bolton < 91,3 (40,8%). So sánh với kết quả nghiên cứu Hoàng Thị Bạch Dương (2000) [3] là không tìm thấy sự khác biệt chỉ số Bolton theo giới thì kết quả của chúng tôi có sự khác biệt. Sự khác biệt này có thể do đối tượng nghiên cứu của chúng tôi là những thanh niên đã trưởng thành, có độ tuổi ≥ 18 tuổi khác hơn so với tác giả Hoàng Thị Bạch Dương trên đối tượng học sinh lứa tuổi 12. Vậy, ở SV nam, mất cân xứng do hàm trên chiếm 64,7% cao hơn so với mất cân xứng do hàm dưới. Còn ở nhóm SV nữ, mất cân xứng do hàm dưới chiếm 59,2% cao hơn so với mất cân xứng hàm trên.

    1. Thực trạng kiến thức về lệch lạc khớp cắn của đối tượng nghiên cứu

Bảng 2. Kiến thức về một số yếu tố liên quan đến lệch lạc khớp cắn

NỘI DUNG

ĐÚNG (%)

NỘI DUNG

ĐÚNG (%)

TRẺ EM

 

Các bệnh lý đường  hô hấp trên:

 

Dị tật bẩm sinh

94,0

- Vẹo vách ngăn

58,8

Răng sữa tồn tại lâu

65,3

- Viêm mũi dị ứng, hen, viêm VA

< 35

Mất răng sữa sớm

51,9

NGƯỜI LỚN

 

Các thói quen xấu:

 

Chấn thương vùng hàm mặt

92,6

- Đẩy lưỡi; mút môi

 > 58

Phục hình răng sai qui cách

88,9

- Mút ngón tay, thở miệng

< 45

   

Các thói quen mút môi, mút ngón tay và thở miệng, khi kéo dài sẽ tạo ra những di chuyển răng ngoài ý muốn, gây ra những lệch lạc về vị trí của răng. Kết quả  trên cho thấy: chỉ có trên 60,0% SV biết các thói quen xấu có liên quan đến lệch lạc khớp cắn. Với các bệnh lý đường hô hấp ở trẻ em trong thời kỳ bộ răng hỗn hợp) cũng có ít SV trả lời đúng, chỉ chiếm > 30,0%. Như vậy đa số sinh viên vẫn chưa biết các bệnh lý đường hô hấp cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây lệch lạc khớp cắn. Nếu được bổ sung những kiến thức này, các em sẽ tự biết cách dự phòng lệch lạc răng cho chính mình đồng thời biết cách dự phòng cho cả những người xung quanh.

 

Biểu đồ 4. Đánh giá mức độ kiến thức về lệch lạc khớp cắn ở SV

Khi tính tổng điểm kiến thức về lệch lạc khớp cắn ở SV điều dưỡng đa khoa, với tổng số 50 câu hỏi đúng/sai, kết quả biểu đồ trên cho thấy số SV có kiến thức về lệch lạc khớp cắn ở mức độ trung bình chiếm tỷ lệ cao nhất (74,0%); sau đó đến kiến thức tốt (16,7%), tỷ lệ kiến thức kém thấp nhất, chỉ chiếm 9,3%.

 

Biểu đồ 5. So sánh mức độ kiến thức về lệch lạc khớp cắn theo khối lớp

Khi xét theo khóa học (biểu đồ 5), tỷ lệ kiến thức mức độ tốt tập trung cao nhất ở nhóm SV năm thứ 3 với tỷ lệ 22,0%, sau đó đến nhóm năm thứ 1 (19,5%) và nhóm năm thứ 2 (10,7%). Tỷ lệ kiến thức ở mức độ kém có xu hướng giảm dần theo năm học: từ 12,2% ở SV năm thứ 1 đến 9,5% ở năm thứ 2 và giảm còn 4,0% ở năm thứ 3 (SV năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp). Kết quả này cho thấy phần nào hiệu quả của công tác đào tạo, cung cấp kiến thức Răng hàm mặt cho các SV điều dưỡng đa khoa của nhà trường. Tuy nhiên kết quả này vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của chúng tôi cũng như về phía nhà trường.

  1. Kết luận và kiến nghị
    1. Thực trạng lệch lạc khớp cắn của SV điều dưỡng đa khoa

Tỷ lệ lệch lạc khớp cắn trong nghiên cứu là 93,1%: sai khớp loại I: 10,6%; loại II: 30,6%; loại III: 22,7%; loại hỗn hợp: 29,2%. Ở nam, sai khớp loại hỗn hợp cao nhất chiếm 37,2%. Ở nữ, sai khớp loại II chiếm cao nhất: 33,8%. Mức độ thiếu khoảng 0≤ X<2 chiếm tỷ lệ cao nhất (HT 48,6%; HD 41,6%). CS Bolton < 91,3 ở nam là chủ yếu ( 67,4%); CS Bolton >91,3 ở nữ chiếm tỷ lệ cao (59,2%).

    1. Kiến thức về lệch lạc khớp cắn của SV điều dưỡng đa khoa

Kiến thức về các yếu tố nguy cơ gây LLKC của SV còn hạn chế (<50,0% SV biết các thói quen xấu thời kỳ trẻ em và các bệnh lý đường hô hấp là những yếu tố nguy cơ của lệch lạc khớp cắn). Kiến thức mức độ trung bình là chủ yếu (74,0%). Mức độ kiến thức tốt ở SV năm 3 (năm cuối) cao nhất (22,0%); mức độ kiến thức kém giảm dần theo năm học (năm 1: 12,2%; năm 2: 9,5%; năm 3: 4,0%).

    1. . Khuyến nghị

Nhà trường cần tiếp tục tổ chức khám sức khỏe cho SV chú trọng việc phát hiện tình trạng lệch lạc khớp cắn để tư vấn điều trị kịp thời cho các em và cần bổ sung các kiến thức liên quan đến lệch lạc khớp cắn vào chương trình đào tạo cho đối tượng sinh viên điều dưỡng đa khoa hệ chính qui.

Surveying  the real situation and  knowledge  on  malocclusion in general nursing students  in Ha Noi Medical College  in 2015

By Hoang Thi Doi, Tran Chung Anh, Tran Thanh Tam, Nguyen Nhu Uoc, Le Thi Thuy Quynh

Ha Noi Medical College 

Summary

A cross-sectional descriptive study was conducted on 216 general nursing students in Ha Noi Medical College, the results showed that: The prevalence rate of  was 93.1%; dislocation: Type I: 10.6%; Type II: 30.6%; Type III: 22.7% and a mixed Type: 29.2%. In men, dislocation of a  mixed type accounted for the highest rate (37.2%); in women,  dislocation in type  II accounted for the highest rate(33.8%). A square tooth arch made up the highest proportion in both maxilla and mandible: in maxilla: 48.6%; in mandible: 46.3%; A high oval shape in men: 50.0%; female: 56.2%. Bolton index < 91.3; in males: 67.4%; Bolton index> 91.3 for women: 59.2%. Results of student’s knowledge on TMJ distortion showed that 90.7% were aware of straight teeth on the jaw bone arch; 24.5% knew an overbite of  2 -3 mm bite. Over 70% of students knew the signs of malocclusion, and a preventive knowledge, care for misaligned teeth. The study results also showed that knowledge on malocclusion in 3rd year students was better than that in the 2nd and 1st year students.

Based on the results obtained, the author recommends: Every year, the school must organize health checks for students and focus detection of misaligned teeth for treatment advice. Also the author recommends need to add contents related to malocclusion into training programs for general nursing students.

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Tuấn Anh, Nguyễn Phan Hồng Ân, Võ Trương Như Ngọc, Nguyễn Thị Thu Phương (2014), Mối liên quan giữa tình trạng lệch lạc khớp cắn với đặc điểm hình dạng khuôn mặt ở một nhóm người Việt độ tuổi tử 18 – 25 tại trường Cao đẳng Y tế Bình Dương, Tạp chí Y học thực hành,  927 (8), 53-56.
  2. Angle E.H. (1899), Classification of malocclusion, D. Cosmos, 41, 248 - 264.
  3. Hoàng Thị Bạch Dương (1999), Điều tra và nghiên cứu lệch lạc răng hàm trẻ em tuổi 12 ở trường Astendam Hà Nội, Luận văn thạc sỹ y học, Đại học Y Hà Nội.
  4. Đồng Thị Mai Hương (2013), Nghiên cứu tình trạng lệch lạc khớp cắn và nhu cầu điều trị chỉnh nha của sinh viên trường Đại học Y Hải Phòng, Tạp chí Y học thực hành, 404 (2), 75 – 78.
  5. Đặng Thị Khánh (2011), Nhận xét tình trạng khớp cắn và một số yếu tố liên quan đến sai khớp cắn ở trẻ 12 tuổi tại trường tiểu học Tam Hiệp – Thanh Trì – Hà Nội, Luận văn bác sĩ chuyên khoa cấp II, Đại học Y Hà Nội.
  6. Đồng Khắc Thẩm, Hoàng Tử Hùng (2000), Khảo sát tình trạng khớp cắn của người Việt Nam độ tuổi 17 – 27, Luận văn thạc sỹ Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh.