2014 - 2015
- Hiệu quả của can thiệp tư vấn từ xa

HIỆU QUẢ CỦA CAN THIỆP TƯ VẤN TỪ XA

CHO CHA MẸ TRẺ BỊ HEN TẠI HAI TRƯỜNG TIỂU HỌC HUYỆN THANH TRÌ, HÀ NỘI NĂM 2015.

              Đặng Hương Giang, Hoàng Lan Hương,

              Nguyễn Lê Thủy, Quản Thị Ngát, Phan Thùy Dương

Tóm tắt: Nghiên cứu này là nhằm đánh giá hiệu quả của tư vấn từ xa cho cha mẹ trẻ bị hen tại 2 trường tiểu học của huyện Thanh Trì, Hà Nội năm 2015. Đối tượng nghiên cứu là những trẻ đang mắc hen được phát hiện qua khảo sát bằng câu hỏi phỏng vấn của Nghiên cứu quốc tế về hen và các bệnh dị ứng ở trẻ em (ISAAC) và cha mẹ trẻ. Phương pháp nghiên cứu can thiệp tự đối chứng theo dõi dọc. Kết quả cho thấy: sau 6 tháng theo dõi tỉ lệ trẻ có triệu chứng ban ngày và ban đêm và tỉ lệ trẻ phải nghỉ học vì hen không giảm sau can thiệp nhưng kiến thức về bệnh hen của cha mẹ đã được nâng cao. Kết luận: chương trình tư vấn từ xa bằng cách phát tài liệu và trao đổi thông tin qua điện thoại giữa cha mẹ và chuyên gia không có tác động đến triệu chứng của bệnh hen và tình trạng nghỉ học vì hen của trẻ nhưng giúp cải thiện được hiểu biết về bệnh hen của cha mẹ trẻ.

Từ khoá: Trẻ mắc hen, Giáo dục sức khỏe, Hà Nội.

1. Đặt vấn đề

Hen phế quản là bệnh lý phức tạp với các biểu hiện thở khò khè, ho, khó thở, nặng ngực tái phát nhiều lần trong năm và có thể tử vong. Bệnh hen đang có xu hướng tăng cao nhất là ở trẻ em [4]. Ở Việt Nam, tỉ lệ trẻ tiểu học được bác sĩ chẩn đoán hen là 13,9% qua một nghiên cứu ở Hà Nội [6] và có đến trên 80% trẻ bị hen nước ta chưa được điều trị dự phòng. Nghiên cứu được tiến hành với mục tiêu: Đánh giá hiệu quả can thiệp bằng tư vấn từ xa cho cha mẹ trẻ bị hen ở hai trường tiểu học huyện Thanh Trì, Hà Nội năm 2015.

2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

2.1 Đối tượng nghiên cứu: là những cặp trẻ đang mắc hen và cha mẹ trẻ là học sinh của hai trường tiểu học: thị trấn Văn Điển B và Tam Hiệp huyện Thanh Trì Hà Nội năm học 2014- 2015. Trẻ đang mắc hen được xác định dựa theo tiêu chí của ISAAC [5], đó là những trẻ đã được bác sĩ chẩn đoán hen và đang bị khò khè trong 12 tháng vừa qua.

Địa điểm nghiên cứu: là trường tiểu học Thị trấn Văn Điển B và tiểu học Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

2.2 Phương pháp nghiên cứu

- Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu can thiệp cộng đồng tự đối chứng.

- Cỡ mẫu và phương pháp chọn mẫu nghiên cứu

+ Cỡ mẫu: Nghiên cứu chọn mẫu thuận tiện. Toàn bộ trẻ và cha mẹ trẻ đang mắc hen hiện là học sinh của 2 trường trong năm học 2014-2015 tham gia nghiên cứu.

+ Phương pháp chọn mẫu: áp dụng phương pháp chọn mẫu có chủ đích [1]. Toàn bộ 2127 cha mẹ trẻ đang là học sinh của 2 trường tiểu được phỏng vấn để xác định số trẻ đang mắc hen sau đó toàn bộ số trẻ đang mắc hen và cha mẹ sẽ tham gia vào nghiên cứu can thiệp.

- Phương pháp can thiệp: tư vấn từ xa cho cha mẹ trẻ đang mắc hen bằng cách phát tài liệu hướng dẫn và trao đổi thông tin giữa cha mẹ và chuyên gia qua điện thoại với chuyên gia. Các hoạt động can thiệp gồm thông báo, phát tài liệu hướng dẫn và số điện thoại của chuyên gia tư vấn đến cha mẹ học sinh.

-  Các chỉ tiêu nghiên cứu: Đánh giá hiệu quả can thiệp thông qua sự thay đổi tỉ lệ trẻ có triệu chứng bệnh, nghỉ học vì hen và tỉ lệ cha mẹ có kiến thức về bệnh.

- Công cụ và kỹ thuật thu thập số liệu: Mẫu phiếu phỏng vấn trẻ 6-7 tuổi của ISAAC [5], trắc nghiệm kiểm soát hen dành cho trẻ <12 tuổi  phần cha mẹ trả lời gồm 3 câu hỏi của GINA [4] và phiếu phỏng vấn kiến thức ược phát về nhà cho cha mẹ trẻ tự điền. Quá trình thu thập số liệu được thực hiện trước can thiệp và sau can thiệp 1 tháng, 3 tháng.

- Xử lí số liệu: Sử dụng phần mềm EPIDATA 3.1 và STATA 11 với các thuật toán thống kê được sử dụng: tính tỷ lệ %, test χ2  (hoặc Fisher’s exact test) [2]. Mức ý nghĩa thống kê được chọn là 0,05.

- Hạn chế của nghiên cứu: Phương pháp tư vấn từ xa và thời gian nghiên cứu chỉ 6 tháng có thể làm hạn chế kết quả can thiệp.

3. Kết quả và bàn luận

              Phỏng vấn toàn bộ 2127 cha mẹ các em học sinh trường tiểu học Thị trấn Văn Điển B và Tam Hiệp huyện Thanh Trì, Hà Nội  tỉ lệ cha mẹ trả lời phỏng vấn là 89,3%, đây là tỉ lệ khá cao so với nghiên cứu của tác giả Nga (66,4%) [6]. Qua phỏng vấn cha mẹ chúng tôi xác định được có 77 trẻ chiếm tỉ lệ 4,1% đã được bác sĩ chẩn đoán hen và có 44 trẻ đang mắc hen chiếm tỉ lệ trẻ 2,3%.

Phỏng vấn về các yếu tố làm xuất hiện cơn hen của trẻ cho thấy thay đổi thời tiết là yếu tố thường gặp nhất chiếm tỉ lệ trên 70% trẻ bị hen trong nghiên cứu của chúng tôi. Các yếu tố làm xuất hiện cơn hen khác ít gặp hơn đó là khói thuốc lá và khói bụi (22,7%),  lông súc vật và gắng sức (đều chiếm tỉ lệ 15,9 %).

Hiệu quả can thiệp

          Chúng tôi theo dõi 44 cặp  trẻ đang mắc hen và cha mẹ của 2 trường tiểu học huyện Thanh Trì trong thời gian 6 tháng, từ tháng 11 năm 2014 đến tháng 4 năm 2015. Đến tháng 4 năm 2015 chỉ còn 40 cặp trẻ và cha mẹ tham gia nghiên cứu.

- Hiệu quả với tình trạng bệnh hen

Bảng 1 Ảnh hưởng của tư vấn với tỉ lệ trẻ có triệu chứng hen

 

Đặc điểm

Trước 

can thiệp

(n=44)

Sau

can thiệp t1

(n=44)

Sau

can thiệp t2

(n=40)

p

Fisher’s exact test

n

%

n

%

n

%

Tỉ lệ % trẻ có triệu chứng ban ngày

24

54,5

24

60,0

32

72,7

0,31

Tỉ lệ % trẻ có triệu chứng ban đêm

29

65,9

28

70,0

35

79,5

0,28

Mặc dù kết quả phân tích của nghiên cứu cho thấy việc tăng triệu chứng bệnh hen sau can thiệp không có ý nghĩa thống kê (tăng từ 54,5% lên 60,0% và 72,7% với triệu chứng ban ngày và từ 65,9% lên 70,0% và 79,5% với p>0,05) nhưng sự thay đổi này cũng đã chứng tỏ biện pháp tư vấn hen từ xa chưa có tác động giúp làm giảm triệu chứng bệnh cho trẻ. Theo tổng kết của tác giả Coffman, chỉ có 5 trong tổng số 11 nghiên cứu về ảnh hưởng của GDSK đến triệu chứng bệnh hen có tác động làm triệu chứng ban ngày ở trẻ và chỉ 1 nghiên cứu có kết quả là GDSK giúp làm giảm triệu chứng ban đêm cho trẻ [3].

- Hiệu quả đối với tình trạng nghỉ học

Bảng 2 Ảnh hưởng của tư vấn với tỉ lệ trẻ có nghỉ học vì hen

 

Đặc điểm

Trước 

can thiệp

(n=44)

Sau

can thiệp t1

(n=44)

Sau

can thiệp t2

(n=40)

p

Fisher’s exact test

n

%

n

%

n

%

 

Tỉ lệ % trẻ có nghỉ học vì hen

3

6,8

5

11,4

4

10,0

0,75

Kết quả phân tích số liệu chứng tỏ biện pháp tư vấn hen từ xa cho cha mẹ trẻ mà chúng tôi áp dụng chưa có tác dụng làm giảm tỷ lệ trẻ phải nghỉ học vì hen. Theo Coffman, có tới 12 trong tổng số 17 nghiên cứu can thiệp GDSK không làm giảm được tình trạng nghỉ học vì hen ở trẻ [3].

Đã có trên 70% trẻ có yếu tố thay đổi thời tiết là yếu tố phổ biến nhất làm xuất hiện cơn hen, vào mùa đông bệnh hen của trẻ thường hay tái phát và nặng hơn. Hai thời điểm sau can thiệp đều được thực hiện vào mùa đông và cuối mùa đông nên đây có thể là lý do khiến cho tỉ lệ trẻ có triệu chứng bệnh sau can thiệp tăng cao hơn trước can thiệp dẫn tới trẻ phải nghỉ học nhiều hơn. Điều này cho thấy tư vấn hen cho trẻ cần phải được thực hiện với thời gian dài hơn.

- Hiệu quả với kiến thức của cha mẹ trẻ

Bảng 3 Ảnh hưởng của tư vấn hen với tỉ lệ cha mẹ hiểu biết về bệnh hen

 

Đặc điểm

Trước  can thiệp t0

(n=44)

Sau can thiệp t2

(n=40)

p

χ2 test

n

%

n

%

Hen là bệnh VMT đường hô hấp

28

63,6

37

92,5

0,002

Kiểm soát bệnh

23

52,3

35

87,5

0,000

Thuốc chống viêm

7

15,9

21

52,5

0,000

Khám tư vấn hen

16

36,4

30

75,0

0,000

Khám hen định kỳ

18

40,9

29

72,5

0,004

Hiểu biết về bệnh hen của cha mẹ đã được cải thiện rõ rệt nhờ được tư vấn hen (p<0,05). Tuy nhiên cũng cần phải thừa nhận biện pháp tư vấn từ xa bằng cách phát tài liệu hướng dẫn cho cha mẹ trẻ đã giúp nâng cao hiểu biết của họ về bệnh hen nhưng điều này là chưa đủ để giúp kiểm soát được bệnh hen cho trẻ.

Hạn chế của đề tài: Chúng tôi nhận thấy nghiên cứu có một số hạn chế sau:

Lựa chọn phương pháp tư vấn từ xa chỉ có cha mẹ và chuyên gia tư vấn qua điện thoại chưa thật sự phù hợp với công tác quản lý hen trong trường học. Nghiên cứu chỉ tổ chức phát tài liệu và gửi thông báo đến cha mẹ học sinh 1 lần và tiến hành theo dõi trong 6 tháng là quá ngắn. Thời gian theo dõi như vậy chưa phù hợp với bệnh hen, vì đa số đối tượng trong nghiên cứu có yếu tố làm xuất hiện cơn hen là thay đổi thời tiết.

5. Kết luận và kiến nghị

5.1 Kết quả

Tỉ lệ trẻ đã được bác sĩ chẩn đoán hen là 4,1% và tỉ lệ trẻ đang mắc hen là 2,3%.    Các yếu tố làm xuất hiện cơn hen phổ biến nhất ở trẻ đang mắc là thay đổi thời tiết, cảm sốt, gắng sức và lông súc vật.

Tư vấn hen từ xa cho cha mẹ không có tác động làm thay đổi tỷ lệ trẻ có triệu chứng bệnh hen và giảm tỷ lệ trẻ phải nghỉ học vì hen sau 3 tháng theo dõi. Tuy nhiên kiến thức về bệnh hen của cha mẹ trẻ đã được nâng cao rõ rệt nhờ được tư vấn.

5.2 Kiến nghị

Các chương trình can thiệp tư vấn giáo dục sức khỏe cho cha mẹ học sinh ở các trường tiểu học cần phải được tiếp tục triển khai để tìm ra một mô hình phù hợp nhất và có hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lưu Ngọc Hoạt (2010), Thống kê cơ bản trong y sinh học, Nhà xuất bản Y học.

2. Hoàng Văn Minh (2009), Thực hành quản lý, xử lý và phân tích số liệu trong nghiên cứu khoa học y học (Sử dụng phần mềm EPIDATA và STATA), Nhà xuất bản Y học.

3. Coffman J. M., M.D. C. & E.H. Y. (2009), "Do school-based asthma education programs improve self-management and health outcomes?", Pediatrics, 124 (2), pp. 729-42.

4. GINA e. c. (2014), Global strategy for asthma management and prevention, www.gina.com.

5. ISAAC (1993), International study of asthma and allergies in childhood, www.isaac.auckland.ac.nz.

6. Nga NN C. S., Bihn TT, Reding G et al (2003), "ISAAC-based asthma and atopic symptoms among Hanoi school chidren", Pediatr Allergy Immunol, 14 (4), pp. 272-9.

 EFFECTIVENESS OF TELECONSULTING PROGRAM FOR  PARENTS OF CHILDREN WITH ASTHMA AT TWO PRIMARY SCHOOLS IN THANH TRI DISTRICT IN HANOI IN 2015

The purpose of this study is to evaluate the effectiveness of teleconsulting program for parents of children with asthma at 2 primary schools in Thanh tri district in Hanoi in 2015. Objectives: The asthmatic children were defined from survey by using the ISAAC questionnaire and their parents. A prospective intervention study design without control group was used. The results as followed: during months after enrollment, the percentage of children having day and night symptoms of asthma and percentage of children being absent from school can not reduce but the knowledge about asthma of parents was higher than before. We had the conclusions: The teleconsulting program by delivering document to parents of asthmatic children and exchange information between parents and experts by telephone had no impact on symptoms of asthma and school absenteeism of the children but can improve the knowledge about asthma of the parents.

Key words: asthmatic children, health education, Hanoi.