Ngày 26/5, tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, Câu lạc bộ Khối trường cao đẳng Y Dược (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức “Hội thảo nâng cao hiệu quả đào tạo trong các trường cao đẳng và trung cấp Y, Dược”.
Tham dự hội thảo, về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội; Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan, Uỷ viên Thường trực, Trưởng Ban Hỗ trợ Câu lạc bộ Khối trường thuộc Hiệp hội.
Ngoài ra, tham dự hội thảo còn có Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Cục Trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia; Phó Giáo sư Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội); Thạc sĩ Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam; Thạc sĩ Nguyễn Bích Lưu, Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam; Tiến sĩ Phạm Văn Tân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cùng đại diện các thầy cô hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, cán bộ chủ chốt của 26 trường cao đẳng, trung cấp y, dược.
Tại hội thảo, Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan, Trưởng Ban Hỗ trợ Câu lạc bộ Khối trường thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã công bố quyết định ban chủ nhiệm câu lạc bộ nhiệm kỳ mới 2022 - 2025.
Theo quyết định công nhận Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối trường cao đẳng Y Dược gồm: Tiến sĩ Phạm Văn Tân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội, Chủ nhiệm; Phó Giáo sư Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên, Phó Chủ nhiệm; Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Huế, Phó Chủ nhiệm; Tiến sĩ Nguyễn Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai, Phó Chủ nhiệm.
Cùng với đó là các Uỷ viên gồm Tiến sĩ Trần Bá Kiên, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương; Tiến sĩ Hoàng Đức Luận, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ; Tiến sĩ Nguyễn Đức Phát; Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang.
|
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ trao Quyết định công nhận Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiệm kỳ 2022 - 2025 (ảnh: Ngọc Ánh)
|
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh, y dược là ngành đặc biệt quan trọng. Hiện nay, nước ta đang hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới. Các nước như Đức, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Canada,.. rất mong muốn những điều dưỡng viên của nước ta đến làm việc. Chính vì vậy, các trường cao đẳng và trung cấp y, dược phải có khâu đào tạo, giảng dạy đúng khâu đào tạo quốc gia và quốc tế.
Theo “Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế” do UNESCO ban hành, hiên bản mới nhất là ISCED -2011, được ban hành năm 2011, có hiệu lực trên toàn thế giới từ 2014, cho tất cả thành viên UNESCO, trong đó có Việt Nam đã chia thành 9 cấp độ.
Theo đó, cao đẳng ở cấp độ 5, muốn vào học cấp độ 5 thì nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, thời gian đào tạo phải thực hiện như thế nào để tương đương với bậc đó.
|
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Ngọc Ánh)
|
Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ bày tỏ mong muốn Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo các trường tiến hành đào tạo có chất lượng, phù hợp với khung đào tạo quốc gia và quốc tế.
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, thời gian qua Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cùng Bộ Y tế đã cùng nhau tháo gỡ nhiều khó khăn, có những khó khăn tưởng chừng như không thể giải quyết.
Ví dụ như vấn đề điều kiện tiêu chuẩn đạt chuẩn nhà giáo, đây là vấn đề khó tháo gỡ khi đã được luật giáo dục nghề nghiệp quy định. Tuy nhiên, Tổng cục và Bộ Y tế cùng chia sẻ, đồng lòng để tháo gỡ những yêu cầu về chứng chỉ kỹ năng để các nhà giáo có thể yên tâm làm việc.
Ngoài ra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế trong việc kiểm soát chất lượng khi đăng ký bổ sung, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Điều này nhằm đảm bảo giữ gìn chất lượng đào tạo, đảm bảo quy mở và linh hoạt tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều có thể tham gia vào việc đào tạo ngành nhưng phải đảm bảo chất lượng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe 04 tham luận gồm: Nâng cao chất lượng đào tạo dựa trên hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên; Kinh nghiệm tự đánh giá và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai; Nâng cao chất lượng dạy - học lâm sàng tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội; Giảng dạy điều dưỡng dựa vào bằng chứng của Hội Điều dưỡng Việt Nam.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu, hiệu trưởng các trường cao đẳng, trung cấp y dược đã tập trung thảo luận, chia sẻ các nội dung, vấn đề mang tính chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng giảng dạy và thảo luận về mức thu học phí theo Nghị định 81/2021/NQ-CP ngày 27/8/2021.
Trần Lý