Theo thống kê cập nhật của Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác 42.488 trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 4.027 trường hợp dương tính với sởi tại 62 tỉnh, thành phố, 05 trường hợp tử vong liên quan đến sởi; số trường hợp nghi sởi ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam (57%), miền Trung (19,2%), miền Bắc (15,1%), Tây Nguyên (8,7%). Hầu hết các trường hợp mắc sởi là không tiêm chủng/chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi hoặc chưa đến độ tuổi tiêm chủng vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ngày 22/3, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần từ 14/3 đến 21/3, toàn thành phố ghi nhận 182 ca mắc sởi, tăng 51 ca so với tuần trước. Các ca bệnh xuất hiện tại 26 quận, huyện và 88 xã, phường, thị trấn. Đáng chú ý, thành phố đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do sởi trong năm 2025.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh tại nhà cũng như trong cộng đồng, bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin chính về dấu hiệu nhận biết cũng như cách phòng ngừa bệnh sởi.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên. Bệnh rất dễ lây và gây thành dịch. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải dịch tiết mũi họng bắn ra, khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với đồ vật, chất tiết đường mũi họng của người bệnh.
Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng chưa có miễn dịch với bệnh và thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ. Bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… chính vì vậy, bệnh dễ lây thành dịch.
Sởi là bệnh lành tính nhưng nếu phát hiện muộn hoặc không được điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa cấp, viêm phế quản, tiêu chảy, mờ hoặc loét giác mạc, viêm phổi nặng có thể dẫn đến tử vong, phụ nữ có thai mắc sởi có thể gây sảy thai, đẻ non,…
Hiện nay, sởi đã có vắc xin phòng bệnh, vắc xin phòng bệnh sởi đem lại hiệu quả cao, giúp giảm tỷ lệ mắc rõ rệt.
Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi:
- Sốt và phát ban là hai biểu hiện chính của bệnh.
Người mắc sởi thường sốt cao, khi sốt giảm sẽ xuất hiện ban dạng sẩn (gồ lên mặt da) ở sau tai, sau đó lan ra mặt, lan dần xuống ngực bụng và toàn thân.
Sau 7 đến 10 ngày, ban biến mất theo thứ tự đã nổi trên da và để lại những vết thâm thường gọi là “vằn da hổ”, không để lại sẹo.
Một số hình ảnh đặc điểm của ban sởi:
.jpg?ver=JtQYgMiMD83RXakaSHGq5Q%3d%3d)
|
Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da)
|
.jpg?ver=JtQYgMiMD83RXakaSHGq5Q%3d%3d)
|
Ban xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, dần xuống ngực bụng và ra toàn thân
|
Ngoài ra, bệnh sởi còn kèm theo một số triệu chứng khác như: chảy nước mũi, ho, mắt đỏ, tiêu chảy…
Xử trí khi mắc sởi, nghi ngờ sởi:
Xử trí và chăm sóc, điều trị tại nhà
Hiện nay, bệnh sởi chưa có điều trị đặc hiệu. Nếu đủ điều kiện chăm sóc và cách ly, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà.
- Người bệnh cần cách ly từ lúc nghi mắc sởi cho đến ít nhất 7 ngày sau khi bắt đầu phát ban.
- Khi có dấu hiệu bị sốt cao, người bệnh cần phải nhanh chóng được hạ sốt, có thể sử dụng thuốc hạ nhiệt có chứa Paracetamol để đưa thân nhiệt về mức an toàn.
- Vệ sinh thân thể, thay quần áo, vệ sinh môi trường xung quanh, giữ gìn phòng thông thoáng sạch sẽ.
- Không kiêng khem trong chế độ ăn. Đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường các loại hoa quả có màu đỏ, màu cam, uống nhiều nước.
- Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc. Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú và kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý, chế biến thức ăn: mềm dễ tiêu, nấu chín kỹ, ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Trong thời gian chăm sóc và điều trị tại nhà, người bệnh sởi có các dấu hiệu bất thường như xuất hiện sốt lại, ho nhiều hơn và có đờm hoặc có các biểu hiện bất thường khác... thì cần đưa đến cơ sở y tế để được khám lại và xử trí kịp thời.
* Để chủ động phòng chống bệnh sởi, cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Hãy đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 – 23 tháng tuổi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chiến dịch do cơ quan y tế địa phương tổ chức.
2. Người lớn trong gia đình có trẻ dưới 5 tuổi chưa mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi và phụ nữ trước khi mang thai tối thiểu 3 tháng cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh sởi tại các cơ sở tiêm chủng để phòng bệnh cho chính bản thân và cho trẻ trong gia đình mình.
3. Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh mũi, họng, mắt hàng ngày cho trẻ. Với người lớn trước khi tiếp xúc với trẻ cần vệ sinh bàn tay, thay quần áo...
4. Ăn uống đầy đủ chất, dinh dưỡng hợp lý.
5. Nơi ở phải được thông thoáng, lưu thông không khí như: mở cửa sổ thường xuyên, có ánh nắng mặt trời chiếu vào, bật quạt để thông thoáng khí...
6. Không dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, cốc, chén, bát, đũa..), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng của người mắc bệnh. Làm sạch vật dụng cá nhân, đồ chơi, đồ vật nghi bị ô nhiễm chất tiết mũi họng của người mắc bệnh bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.
7. Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 – 2 lần/ngày.
8. Hạn chế tiếp xúc với các trường hợp mắc/nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Phụ nữ có thai tuyệt đối không tiếp xúc với người mắc bệnh sởi.
9. Khi phát hiện trường hợp có triệu chứng như sốt, phát ban, chảy nước mũi,... gia đình phải thông báo ngay đến cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí, điều trị, cách ly kịp thời.
TS. Đinh Quốc Khánh (1) - TS. Trần Thanh Tâm (2)
Giảng viên Bộ môn Bệnh Chuyên khoa-
Khoa Điều dưỡng trường Cao đẳng Y tế Hà Nội