Tin tức & Sự kiện

Bệnh cúm mùa và phòng bệnh

Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), cúm mùa là nguyên nhân của 9,3 triệu – 41 triệu ca bệnh, 100.000 – 710.000 ca nhập viện và 4.900 – 51.000 ca tử vong hằng năm từ năm 2010 đến 2023 [1]. Thông thường, bệnh diễn tiến nhẹ và hồi phục trong vòng 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, người cao tuổi, người có bệnh lý nền mạn tính, người suy giảm miễn dịch, cúm mùa có thể diễn tiến nặng, gây viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, dẫn đến tử vong.

Thông tin về diễn biến bệnh cúm tại Việt Nam trong thời gian qua, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, số trường hợp mắc cúm gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với số mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây. Theo thống kê, tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 912 trường hợp mắc cúm, không có ca tử vong. Số ca mắc giảm 97% so với cùng kỳ năm 2024 (với 34.442 ca).

Đặc biệt, các ca mắc cúm hiện tại không ghi nhận thay đổi về độc lực, chủ yếu là cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B [3].

Thời tiết Hà Nội đang bước vào giai đoạn chuyển lạnh, nhiệt độ xuống thấp kèm theo không khí ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm mùa bùng phát. Gần đây một số trường hợp tử vong do biến chứng viêm phổi từ cúm đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về mức độ nguy hiểm của căn bệnh tưởng chừng “quen thuộc” này.

Để có một sức khỏe tốt và phòng tránh được bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cần hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh cúm mùa hiệu quả.

1. Bệnh Cúm mùa (thường gọi là Bệnh Cúm) là gì?

Bệnh Cúm (influenza) là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.

Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai.

Dù đa số lành tính, nhưng do số người mắc nhiều, số tử vong do cúm ở những người có biến chứng cao một cách không ngờ. Cần phân biệt cúm mùa H1N1 với cúm đại dịch A/H1N1/2009 (tên đầy đủ là PBA9 H1N1) là chủng virus cúm mới lai tạo giữa virus cúm lợn, virus cúm chim và virus cúm người.

Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong [3].

2. Nguyên nhân và đường lây

Nguyên nhân gây bệnh cúm mùa là do virus cúm (Influenza virus) thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra, lây truyền qua giọt bắn hô hấp khi ho, hắt hơi, hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus.

Thời tiết lạnh ẩm làm suy giảm miễn dịch cơ thể, đồng thời giúp virus tồn tại lâu hơn trong môi trường, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao [3], [4].

3. Triệu chứng:

Trong thời gian ủ bệnh (khoảng 2 ngày), người bệnh thường có các biểu hiện ban đầu như sốt, có cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, chóng mặt, ăn không ngon, mệt mỏi. Về sau, triệu chứng ngạt mũi, ho và chảy nước mũi xuất hiện. Ở trẻ nhỏ, triệu chứng đau tai, đau họng và sưng hạch, hoặc tiêu chảy, đau và nôn mửa có thể xảy ra. Nhìn chung, các triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm thường giới hạn ở đường hô hấp trên.

Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác gần như biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn có thể còn kéo dài. Tất cả các triệu chứng và cảm giác mệt mỏi sẽ biến mất trong vòng 1 hoặc 2 tuần.

4. Biến chứng

- Biến chứng thường gặp:

+ Viêm phổi: Đây là một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra, đặc biệt ở người già và những người có hệ miễn dịch yếu. Viêm phổi có thể do virus cúm gây ra hoặc do vi khuẩn thứ cấp.

+ Viêm tai giữa: Thường gặp ở trẻ em, viêm tai giữa có thể xảy ra sau khi bị cúm, gây đau và khó chịu.

+ Viêm xoang: Cúm có thể dẫn đến viêm xoang, gây đau đầu, nghẹt mũi và khó thở.

+ Nhiễm trùng đường hô hấp khác: Virus cúm có thể tạo điều kiện cho các loại virus khác hoặc vi khuẩn phát triển, gây ra nhiễm trùng đường hô hấp.

  • Biến chứng nguy hiểm:

+ Viêm phổi do cúm: Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất, có thể dẫn đến nhập viện hoặc tử vong, nhất là ở người cao tuổi, trẻ nhỏ và những người có bệnh lý nền.

+ Suy hô hấp cấp: Ở những bệnh nhân nặng, cúm có thể gây ra suy hô hấp, yêu cầu điều trị y tế khẩn cấp và hỗ trợ hô hấp.

+ Mắc các bệnh lý tim mạch: Cúm có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch, đặc biệt ở những người có bệnh tim sẵn có.

+ Hội chứng Reye: Một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, xảy ra chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên, khi dùng aspirin trong giai đoạn nhiễm virus cúm.

5. Phòng bệnh

 

Hiểu đúng về bệnh cúm giúp chúng ta phòng ngừa chủ động và bảo vệ những người xung quanh [4]. Hãy …

  • Tiêm chủng:

+ Tiêm vắc-xin cúm hàng năm, đặc biệt trước mùa dịch (tháng 10–12).

  • Biện pháp hiệu quả nhất, đặc biệt cần thiết cho nhóm nguy cơ cao.

+ Theo WHO khuyến cáo tiêm phòng cúm mùa hàng năm cho các đối tượng sau:

Phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ

Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi

Người cao tuổi (trên 65 tuổi)

Người mắc bệnh mãn tính

Nhân viên y tế.

  • Ngoài tiêm chủng phòng bệnh, các biện pháp vệ sinh cá nhân và nâng cao thể trạng cũng rất quan trọng trong phòng cúm như:

+ Rửa tay thường xuyên và lau khô tay đúng cách

+ ­Vệ sinh hô hấp tốt - che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, sử dụng khăn giấy đúng cách.

+ Tự nguyện cách ly sớm những người cảm thấy mệt mỏi, sốt và có các triệu chứng cúm khác

+ Tránh tiếp xúc gần với người bệnh; Hạn chế đến khu vực đông người khi có dịch.

+ Tránh chạm vào mắt, mũi hoặc miệng.

+ Tăng cường miễn dịch: Ăn uống đủ chất, giữ ấm cơ thể, ngủ đủ giấc.

Lưu ý:

Không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.

Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

TS. Đinh Quốc Khánh1, TS. Trần Thanh Tâm2

Giảng viên BMĐD bệnh chuyên khoa – Khoa Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. CDC (2024, October 7), About Estimated Flu Burden. Flu Burden. https://www.cdc.gov/flu-burden/php/about/index.html

2. Bộ Y tế (2015), Quyết định số 5642/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu chuyên môn “hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm”.

3. Cục Y tế dự phòng (2024), “Tình hình dịch Covied- 19 và bệnh cúm”. https://vncdc.gov.vn/tinh-hinh-dich-covid-19-va-benh-cum-nd17470.html, access 10/02/2025.

4. WHO (2023), “Cúm mùa”. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/influenza-(seasonal).htmt, access 11/02/2025.